MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội – Can thiệp Tim mạch, Hô hấp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Thảo My.

Nhầm suy giãn tĩnh mạch chi dưới với bệnh khác

Lệ Hà LDO | 29/11/2020 08:30

Nhiều người bị đau chân, tức mỏi nhẹ, tê bì, căng bắp chân, chuột rút... dễ nhầm lẫn với các bệnh, không nghĩ mắc bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Bác N.T.M, 65 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong hơn 200 bệnh nhân tới Khám, tư vấn, siêu âm miễn phí bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong ngày 28.11 chia sẻ: Tình trạng chân đau nhức, nổi tĩnh mạch xanh đã xuất hiện 4 năm nay nhưng ngại không đi khám mà ở nhà nhờ chồng mua lá về ngâm. Hiện tình trạng bệnh không cải thiện nên mới đi khám.

Bệnh nhân được Ths.Bs Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội - Can thiệp Tim mạch, Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám và chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch mức C4. Rất may trong khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ chưa phát hiện vùng loạn dưỡng hay ổ loét. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân M sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng tất y khoa điều trị suy giãn tĩnh mạch, nếu tất không có cỡ vừa sẽ phải quấn băng chun.

Ths.Bs Khổng Tiến Bình cho biết, ý thức người bệnh trong điều trị là vô cùng quan trọng. Bệnh nhân M sống ở thủ đô nhưng để bệnh nặng 4 năm mới đi khám.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, tuy nhiên chưa được quan tâm phòng ngừa và điều trị sớm tại Việt Nam.

Theo các nghiên cứu lớn trên thế giới, suy giãn tĩnh mạch có thể gặp tới 40% ở dân số trưởng thành. Trong đó, nữ giới có tỉ lệ mắc cao hơn nam giới từ 2-3 lần, do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén. Xã hội hiện đại, các nghành nghề đa dạng phát triển, tỉ lệ suy giãn tĩnh mạch chi dưới gia tăng trong các nghề nghiệp phải đứng hoặc ngồi lâu như nhân viên bán hàng, thợ dệt, công nhân may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên, nhân viên văn phòng…

Bên cạnh đó, những người bị béo phì cũng rất dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Nguyên nhân là do họ có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, ít chất xơ, lại có xu hướng ít vận động, cơ thể nặng nề dẫn đến áp lực lớn dồn đến chân và gây bệnh. Ngoài ra, các đối tượng như người cao tuổi, người từng trải qua phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, người nằm bất động do tai biến, bó bột, hoặc người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm thấp... cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ nên thường xuyên bị bỏ qua. Người bệnh đôi khi chỉ thấy đau tức mỏi nhẹ, tê bì, căng bắp chân, chuột rút… nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Đa phần các trường hợp đi khám bệnh khi thấy giãn các tĩnh mạch mạng nhện nhiều, nổi các búi tĩnh mạch nông dưới da ngoằn ngoèo thậm chí phù chân, biến đổi sắc tố da, loét hoặc đau mỏi nặng dẫn đến điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Ths.Bs Khổng Tiến Bình khuyến cáo, nếu công việc gò bó, phải ngồi nhiều cần thay đổi tư thế thường xuyên. Với phụ nữ, cần thay đổi thói quen ăn mặc, mặc đồ thoáng hơn, không đi giày cao gót. Buổi tối khi đi ngủ, kê chân cao hơn so với mặt giường để máu dễ dàng về tim. Ngoài ra, hàng ngày áp dụng bài xoay tròn gót chân, nhón gót chân, bài tập mũi bàn chân, giơ chân... Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh tránh ngâm chân bằng nước ấm, nước nóng vì khiến mạch dễ bị giãn to hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn