MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ hoạ: Hàn Lâm

Nhận biết triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ

Thanh Vân LDO | 22/06/2023 16:58

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra với bất cứ ai ngay sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Tuỳ vào dạng vi khuẩn, virus và lượng thức ăn tiêu thụ mà mức độ ngộ độc thực phẩm sẽ khác nhau.

Theo Hội Nội khoa Việt Nam, dưới đây là một số triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ mà mọi người cần biết:

1. Tiêu chảy

Tiêu chảy là biểu hiện thường gặp trong ngộ độc thực phẩm. Nếu bạn đi đại tiện phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày, thì khả năng các chất độc đã gây ra tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa làm giảm khả năng tái hấp thu nước.

Tiêu chảy được coi là một triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ giúp cơ thể đào thải chất độc nhanh hơn. Trong trường hợp nhẹ, tiêu chảy thường diễn ra trong 3 ngày, nhưng nếu kéo dài hơn có thể là một dấu hiệu nguy hiểm.

2. Sốt

Sốt là phản ứng của hệ thống miễn dịch với tác nhân gây bệnh, đó cũng được coi là phản ứng có lợi của cơ thể. Người bệnh bị ngộ độc có thể không sốt hoặc sốt nhẹ. Tuy nhiên, nếu sốt quá cao trên 38 độ C, người bệnh cần hạ sốt và đến cơ sở y tế gần nhất để tìm nguyên nhân và chữa trị.

3. Đau bụng

Đây là một dấu hiệu rất phổ biến và xuất hiện sớm khi ăn thực phẩm chứa vi khuẩn độc. Cơn đau có thể xuất hiện vùng trên rốn, quanh rốn hoặc dọc hai bên thân mình.

Những tác nhân gây ngộ độc có thể gây viêm đường tiêu hoá, ảnh hưởng hệ thần kinh nên tạo ra phản ứng kích thích gây tăng nhu động ruột để tăng tốc độ đào thải chất độc hại và từ đó khiến cho người bị bệnh đau bụng từng cơn. Tuy nhiên, dấu hiệu đau bụng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau như các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hoá, tiết niệu nên dễ nhầm lẫn, người bệnh cần căn cứ nhiều yếu tố khác để xác định có phải ngộ độc hay không.

4. Buồn nôn hoặc nôn

Phản xạ nôn là một trong những cách tự nhiên giúp cho cơ thể dễ dàng đào thải các chất gây độc cho cơ thể ra ngoài và cũng là biểu hiện của sự ảnh hưởng hệ thần kinh. Tuy nhiên, nôn nhiều cũng khiến người bệnh dễ bị mất nước và muối khoáng nên chú ý bổ sung nước khi nôn quá nhiều.

Theo ThS.BS.CKI Nguyễn Ngọc Nhã Khanh - bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, để giảm triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ, bạn cần nghỉ ngơi và uống nhiều nước.

Cụ thể: Những người bị ngộ độc thực phẩm nôn và tiêu chảy nhiều lần có thể gây tình trạng mất nước. Lúc này cần cho người bệnh nghỉ ngơi và uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Nếu trẻ bị nôn, hãy cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ để bù nước cho trẻ.

Nếu người bệnh có kèm theo tiêu chảy hoặc chỉ bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là cố gắng thay thế chất lỏng và lượng muối đã mất. Lúc này, có thể sử dụng dung dịch nước bù điện giải.

Trường hợp, ngộ độc tập thể xảy ra, cần chia dung dịch oresol riêng cho từng người, không uống chung để tránh người bị ngộ độc nhẹ có thể chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Lưu ý: Nên gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị phù hợp. Đặc biệt, những trường hợp ngộ độc thực phẩm là trẻ nhỏ thì nguy cơ bị nặng sẽ cao hơn người lớn. Hoặc trong các trường hợp người bệnh xuất hiện biểu hiện rầm rộ, triệu chứng nặng như sốt cao, li bì, hôn mê, tiêu chảy nhiều lần... thì cần ngay lập tức tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Chú ý không nên cho người bệnh uống thuốc cầm tiêu chảy, vì đây là một phản ứng giúp đào thải độc tố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn