MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhân ngày “Thế giới phòng chống lao” 24.3: Dấu ấn đáng ghi nhận từ chương trình chống lao

Bình Minh LDO | 24/03/2018 09:12

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới nhưng nhiều năm qua, chương trình chống lao đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Giảm 3.000 người chết vì lao

PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc BV (thứ hai từ trái qua) - trao quà của BV Phổi trung ương cho bệnh nhân tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
Số liệu tổng hợp từ chương trình phòng chống lao quốc gia (CTCL) cho thấy, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc lao đa kháng thuốc được chữa khỏi, tỷ lệ này ở Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công có thể lên tới 85% và hiện 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với chi phí "thảm họa" như trước.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn. Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn.

Hàng năm, cả nước đã phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc Lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. CTCL vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống Lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã phường. Tỷ lệ dân số được CTCLL tiếp cận đạt 100%.

Hiện nay 46 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. CTCL đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như Bộ Công an; Cục Phòng chống HIV/AIDS, WHO, KNCV, CDC, URC, CHAI, các bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2017, CTCL có thêm các đối tác mới chính thức trở thành những đơn vị viện trợ phụ (SRs) cùng tham gia vào dự án QTC và công tác chống Lao như FIND, Hội Chống Lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển sức khỏe cộng đồng (RCSCH), Bộ Công an. Chương trình cũng đã xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi bao gồm các đơn vị, cá nhân trong nước và quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành lao tại các tuyến y tế trên cả nước.

Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua

Nói về những khó khăn, thách thức đối với công tác phòng, chống lao ở nước ta, PGS.TS Vũ Xuân Phú – PGĐ Bệnh viện Phổi TƯ – cho rằng, với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Bên cạnh đó, hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh này và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh.

Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Ngoài ra, khó khăn nữa là chưa tầm soát hết các đối tượng nghi MDR, tỷ lệ người được xét nghiệm GeneXpert trong số nghi MDR còn hạn chế tại nhiều địa phương; Công tác phối kết hợp trong hoạt động PPM vẫn còn hạn chế. Hầu hết sự phối hợp hiện nay chủ yếu là mô hình chuyển người nghi lao đến khám phát hiện. Sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa CTCLQG và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên.

Bệnh nhân Lao được chăm sóc ngày càng tốt hơn
Mặc dù khó khăn là vậy, CTCLQG sẽ truyền thông mạnh mẽ, bảo đảm nguồn lực và tiếp cận thực hành lồng ghép dịch vụ phòng chống lao với dịch vụ phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD) để củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhằm phổ cập dịch vụ phòng chống lao chuẩn cho mọi người dân. Đó cũng là định hướng hành động để CTCLQG thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết TƯ 6 khóa XII vừa thông qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn