MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên sơ thẩm vụ tai biến chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình sẽ được diễn ra vào ngày 15.5 sau khi bị hoãn lại.

Nhiều câu hỏi cần lời giải trong phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

L.Hà LDO | 14/05/2018 12:48
Ngày 15.5, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ tai biến khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình sẽ diễn ra. Dư luận ủng hộ BS Hoàng Công Lương tiếp tục được lan rộng. Tất cả đều mong một phiên toà đúng nghĩa.

Nguyên nhân gây ra thảm họa tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình cách đây 1 năm đã được xác nhận. Đó là lượng tồn dư của chất độc trong nước lọc thận, do thao tác bảo trì hệ thống lọc nước không tốt. Đó là việc để cho một công ty không có chức năng bảo dưỡng hệ thống lọc nước vào bảo dưỡng hệ thống lọc nước của bệnh viện, và phòng vật tư của bệnh viện không đủ khả năng đánh giá công việc bảo dưỡng của công ty này.

Cụ thể, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là người trực tiếp ký kết hợp đồng số 315/BVĐK T-TS với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn trị giá 99.360.800 đồng vào ngày 25.7.2017 nhưng cũng trong ngày 25.7.2017 Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn lại ký hợp đồng số 05/2017/TS/TA với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh; thực chất là chuyển nhượng lại hợp đồng 315/BVĐK T-TS với giá trị rẻ hơn (70.257.000đồng).

Đối với BV đa khoa Hòa Bình, luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn cầu - cho rằng người phải chịu trách nhiệm và bị truy tố phải là nguyên giám đốc bệnh viện ông Trương Quý Dương. Nhưng đến nay, vị giám đốc này chưa một lần xuất hiện sau sự cố cũng như tại phiên sơ thẩm đã bị hoãn.

Lần xét xử tới, nhiều luật sư tham gia bào chữa cho các bị can đều khẳng định: Ông Trương Quý Dương có thể tiếp tục vắng mặt tại phiên toà.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng - nguyên BS khoa Nhi (BV Bạch Mai) chua xót: "BS Hoàng Công Lương bị "hoán đổi" thay chỗ cho Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình - ông Trương Quý Dương. Với tội danh "khoác" cho BS Lương, nhân viên y tế sẽ trở thành tội phạm bất cứ lúc nào mà không ai trong ngành bảo vệ".

PGS Bàng cũng đặt ra một số câu hỏi mong muốn được làm sáng tỏ tại phiên tòa xét xử ngày mai: Ông Trương Quý Dương có “thiếu trách nhiệm” không trong việc tùy tiện thay đổi, lựa chọn nhà thầu thi công một công trình có liên quan đến phương tiện, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế? 

"Tại phiên sơ thẩm tới, ai sẽ là người đại diện trực tiếp và chính đáng cho ban giám đốc liên quan để có thể trả lời một cách đầy đủ và chi tiết tất cả những câu hỏi của cả bên "bị" lẫn bên "nguyên"? Ai sẽ trả lời các câu hỏi Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh là gì và tại sao lại "làm thay" việc mà ban giám đốc ký với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn?", PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng bày tỏ sự băn khoăn.

Ngoài ra, dư luận cũng đang quan tâm ban giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình có biết việc "đóng thế" của công ty "tử thần hàng loạt" này tại BV của mình không? Tại sao Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn lại đơn phương một mình dám "đưa tử thần" vào "đóng thế" mình để xử lý nước RO chạy thận cho bệnh nhân..."

Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Bàng, trong phiên toà ai là người đứng lên trước quan toà và đối mặt với các bị cáo để trả lời về những quy trình (và cả những hợp đồng) từ trước đến nay của BV đa khoa tỉnh Hoà Bình về xử lý bảo trì máy lọc thận ra sao? Đây là một trong những bối cảnh quan trọng để người ta "buộc tội" BS Lương, nên rất cần sự minh bạch từ ban giám đốc bệnh viện và sự đối chất của các nhân chứng trong và ngoài đơn vị lọc máu vủa BV đa khoa tỉnh Hoà Bình và ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, vấn đề bồi thường cho các gia đình nạn nhân cũng đang cần có câu trả lời. Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình Lê Xuân Hoàng cho biết, do chưa đạt được thoả thuận cuối cùng về việc bồi thường, bệnh viện sẽ chờ phán quyết của toà. Trong vụ án này, bệnh viện tham gia với tư cách bị đơn dân sự.

Theo cáo trạng, đại diện 8 gia đình bệnh nhân tử vong đã kê khai số tiền mai táng từ 78,6 đến 157 triệu đồng. Ngoài số tiền trên, gia đình các nạn nhân còn đề nghị bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật. Ba trong tổng số 10 bệnh nhân đã phục hồi sức khoẻ, yêu cầu được bồi thường về thiệt hại sức khỏe, tinh thần với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng. Bảy người khác cũng có đơn yêu cầu bồi thường theo quy định về những tổn hại sức khỏe họ phải chịu.

Trước phiên sơ thẩm, các luật sư bào chữa của đã có ý kiến về việc Bộ Y tế nên tham gia vào cuộc với tư cách là tư vấn tối cao về chất lượng chuyên môn, kỹ thuật, quy trình, quản lý trong ngành y tế để việc điều tra đi đúng hướng, tìm ra kẽ hở trong quản lý, vận hành bệnh viện.

Bản án mà Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình sắp tuyên sẽ vô cùng quan trọng và sẽ trả lời được nhiều vướng mắc trong dư luận.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về đơn kiến nghị của BS Hoàng Công Lương (BV đa khoa tỉnh Hòa Bình). Theo đó, BS Hoàng Công Lương đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sĩ trong vụ việc sự cố y khoa xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vào ngày 29.5.2017. Về việc này, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến: Chuyển đơn của BS Hoàng Công Lương đến tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn