MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phẫu thuật nội soi ứng dụng robot trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM (ảnh K.Q)

Nhiều nam giới phải cắt bỏ tinh hoàn vì ung thư tuyến tiền liệt

Minh Phạm LDO | 28/05/2017 17:41
Mắc ung thư tuyến tiền liệt, giữa sự sống và “bản lĩnh đàn ông” nhiều nam giới phải lựa chọn giải pháp cắt bỏ tinh hoàn để kéo dài thời gian sống.    

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc ở nam giới. Tại Việt Nam, theo dữ liệu của Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocan 2012, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 1.275 trường hợp mắc mới và 872 trường hợp tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Tuấn Vinh, Trưởng khoa Niệu B - BV Bình Dân TPHCM cho biết, bệnh thường xuất hiện ở nam giới sau 50 tuổi. Ngày nay, bệnh này cũng có thể gặp ở người trẻ. Các dấu hiệu của bệnh thường không rõ ràng, diễn tiến chậm, nên nhiều người phát hiện bệnh khi bước vào giai đoạn nặng.

Nhiều người gặp triệu chứng mệt mỏi, sụt cân, tiểu khó... trong suốt thời gian dài nhưng thường không đi khám bệnh vì nghĩ đó là triệu chứng bình thường của người đã có tuổi. Chỉ đến khi các dấu hiệu rối loạn khi đi tiểu như tiểu nhiều lần, tiểu đêm, bí tiểu, với mức độ tiểu khó ngày càng tăng lên thì mới tìm đến bệnh viện. Đó là lý do nhiều người sau khi phát hiện ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn nặng đã phải cắt bỏ túi tinh hoàn và bộ phận xung quanh tuyến tiền liệt. Mặc dù tăng thời gian sống nhưng việc cắt bỏ tinh hoàn khiến nhiều bệnh nhân nam bị sốc khá nặng, thậm chí là sang chấn tâm lý.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc BV Bình Dân, điều trị ung thư tuyến tiền liệt đòi hỏi một tổng thể liệu pháp đa mô thức, tùy thuộc vào giai đoạn lâm sàng và phân độ nguy cơ tái phát. Khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc bằng cách mổ mở, mổ nội soi, nội soi có robot hỗ trợ hoặc xạ trị với tỉ lệ không chế bệnh khoảng 85%.

Tuy nhiên, khi ung thư tuyến tiền liệt đã ở giai đoạn diễn tiến xa (xâm lấn tại chỗ, di căn xa) nhiều nghiên cứu cho thấy việc kết hợp điều trị nội tiết với xạ trị sẽ cho kết quả khả quan hơn từng phương pháp đơn lẻ. Có nhiều phương pháp điều trị nội tiết trong ung thư tuyến tiền liệt với mục đích ức chế nội tiết tố nam, ngoài việc cắt bỏ 2 tinh hoàn, thì bệnh nhân có thể dùng thuốc làm giảm nồng độ testosterone.

Hiện nay phương pháp dùng thuốc làm giảm nồng độ testosterone được nhiều bệnh nhân chấp nhận điều trị hơn nhờ cho kết quả tương đương phẫu thuật cắt 2 tinh hoàn lại tránh được sang chấn tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được điều trị bằng phương pháp dùng thuốc ức chế nội tiết tố nam. Phương pháp này thường dùng kết hợp cùng một trong hai phương pháp trên khi ung thư đã ở vào giai đoạn muộn, ung thư tái phát hoặc việc đơn trị liệu không hiệu quả.

Hiện nay, trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt, điều trị nội tiết kết hợp với xạ trị là chủ lực đối với các trường hợp ung thư giai đoạn tiến xa. Điều trị nội tiết là tiêu chuẩn vàng trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt di căn. Việc kết hợp điều trị nội tiết và xạ trị mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với việc điều trị đơn lẻ trên bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn tại chỗ. Bên cạnh đó, trên thế giới đã có một số thuốc mới trong điều trị nội tiết thứ phát dùng trước và sau hóa trị, mang đến hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.

Để phòng ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ khuyến cáo nên duy trì chế độ ăn ít chất béo được coi là cách duy nhất để làm giảm ung thư tuyến tiền liệt; tăng cường ăn rau xanh và hoa quả. Nam giới cũng nên đi test và siêu âm định kỳ để phát hiện bệnh giai đoạn sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn