MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ được hướng dẫn chụp X-Quang xương bàn tay trung bình. Ảnh: HƯƠNG SƠN

Nhiều trẻ em phát hiện muộn bệnh lý chậm tăng trưởng chiều cao

NGUYỄN LY LDO | 02/06/2024 18:03

TPHCM - Chậm tăng trưởng chiều cao không phải là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ cũ đối với nhiều bậc phụ huynh đang có con nhỏ trong độ tuổi phát triển chiều cao. Tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.

Đây đã là lần thứ 3, em H.M (11 tuổi, TPHCM) đến bệnh viện khám vì có dấu hiệu chậm tăng trưởng chiều cao. Theo gia đình chia sẻ, trong khoảng 5 năm đầu đời của con, gia đình vẫn đưa em đi khám định kì sức khoẻ và tiêm các loại vaccine cần thiết. Thời điểm đó, dù con có ngoại hình nhỏ bé hơn so với bạn đồng chăng lứa nhưng nghĩ thời gian sau con sẽ lớn hơn nên theo dõi tiếp.

Thời điểm đầu năm 2024, trong một lần đưa con đi khám sức khoẻ tổng quát, gia đình mới con chậm phát triển chiều cao và cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

“Giờ cứ khoảng 2-3 tháng, tôi lại đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị tiếp tục theo phác đồ điều trị. Bé có cải thiện hơn so với trước rất nhiều nên cũng yên tâm hơn”, chị Nguyễn Thị Lan - mẹ bệnh nhi chia sẻ.

Còn anh Đ.T (ngụ TPHCM) đưa con gái 7 tuổi đi khám, cho biết con gái anh 7 tuổi nhưng chỉ cao 1,05m. Trước đó, nhận thấy con thấp bé hơn các bạn, anh đã đưa đi khám dinh dưỡng. Sau thời gian bổ sung vi chất, chiều cao của bé vẫn không cải thiện.

"So với các bạn cùng lớp, con tôi nhỏ nhất và nhỏ hơn rất nhiều. Tôi đã cho bé dùng các chất ăn uống dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung nhưng không cải thiện. Hy vọng sau khi khám bệnh sẽ có liệu trình điều trị, tránh ảnh hưởng đến tầm vóc con sau này" - anh T bày tỏ.

BS. CKI Trần Thị Ngọc Anh - Bác sĩ điều trị tại khoa Nội tiết bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng (GH) ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế (thấp hơn nhiều so với trung bình).

Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam... Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỉ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém…

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng là một trong những bệnh viện chủ động tổ chức các chương trình tầm soát chiều cao cho trẻ hàng năm. Chỉ tính riêng tại bệnh viện, trong 8 năm qua đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng thông qua chương trình là hơn 200 trẻ.

BS.CKII Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, việc tầm soát nhằm giúp sớm phát hiện trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng - một bệnh lý khá hiếm gặp, khó nhận biết nhưng lại là nguyên nhân phổ biến gây chậm cao ở trẻ. Nhờ đó, trẻ được điều trị kịp thời và cải thiện chiều cao hiệu quả trước khi quá muộn.

Tại Việt Nam, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng có một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn