MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc bệnh trĩ. Ảnh: Nguyễn Ly

Những ám ảnh của phụ nữ mang thai về bệnh trĩ

HƯƠNG SƠN LDO | 06/12/2023 21:59

TP Hồ Chí Minh - Tỉ lệ 3 tháng cuối thai kì phụ nữ mang thai mắc trĩ rất cao. Đa phần các bác sĩ chỉ điều trị giảm triệu chứng cho thai phụ, nhưng quá trình mang thai đối với nhiều người mắc bệnh trĩ vẫn là nỗi ám ảnh.

Chị P.T.O (32 tuổi, TPHCM) vừa mới sinh con được 15 ngày an toàn. Mỗi lần nhắc lại quá trình mang thai của mình, chị luôn cảm thấy sợ vì những ngày đi vệ sinh không được, uống thuốc cũng không xong.

Theo chị O, chị vốn có tiền sử mắc trĩ ngoại khoảng 5 năm, khi mang bầu ốm nghén hơn ba tháng, sau đó tiếp tục những ngày bị trĩ kéo dài, có đôi lúc ngồi không được vì đau, liên tục đi vệ sinh ra máu khiến chị ám ảnh. Nhiều lần chị O đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn nhưng do chị đang mang thai nên bác sĩ chỉ cho chị thuốc làm mềm hậu môn, đi vệ sinh cho dễ hơn.

“Bác sĩ bảo thai của tôi đủ điều kiện sinh thường nhưng trĩ nặng quá bác sĩ không khuyến khích sinh thường, mà phải sinh mổ. Vậy là tôi đã sinh con bằng phương pháp mổ” - chị O cho biết.

Theo PGS. TS. BS Dương Văn Hải - Trưởng Đơn vị Hậu môn - Trực tràng, Bệnh viện Bình Dân TPHCM, bệnh trĩ có 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là trĩ nằm trong ống hậu môn, không quan sát được. Trĩ ngoại là trĩ nằm ở ngoài hậu môn, bệnh nhân có thể quan sát thấy được.

Đối với phụ nữ mang thai, 3 tháng cuối thai kì tỉ lệ mắc bệnh trĩ tăng khoảng 80 lần. Trong quá trình mang thai, cơ thể thay đổi nội tiết tố tăng lên, các yếu tố này có thể làm giãn mạch nên vùng trĩ cũng giãn. Đồng thời, cơ thể đang chuẩn bị cho vùng chậu và cơ giãn ra, tử cung cũng giãn ra… những thay đổi về cơ thể khiến bệnh trĩ tăng cao ở phụ nữ mang thai.

“Phụ nữ mang thai bị táo bón cũng rất nhiều, bệnh nhân đa phần khi bệnh nặng mới đi khám, nhưng do đang trong thai kỳ nếu can thiệp, nguy cơ cao ảnh hưởng đến em bé, có thể bị sinh non. Do vậy, các bác sĩ thường sẽ điều trị bảo tồn, thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt. Nếu có triệu chứng tại chỗ như viêm đau, sẽ dùng thuốc tại chỗ… nhằm mục đích giảm triệu chứng. Nếu những biện pháp này không hết thì mới tính đến điều trị, sao cho ít can thiệp và xâm lấn nhất” - bác sĩ Hải phân tích.

Nếu để làm giảm triệu chứng đau tạm thời, sản phụ có thể ngâm vùng hậu môn vào nước ấm khoảng 38-38.5 độ C làm giãn các cơ vùng chậu, mạch máu cũng giãn nở ra theo, máu trong búi trĩ ít bị ứ đọng, búi trĩ xẹp bớt thì bệnh nhân đỡ đau. Nhưng lưu ý là chỉ nên dùng nước ấm, không pha thêm hóa chất gì, cũng không pha thêm muối, vì muối sẽ kích ứng búi trĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn