MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi mới chớm viêm họng sử dụng những liệu pháp tự nhiên như chanh mật ong hỗ trợ giảm triệu chứng rất nhanh.

Những bài thuốc dân gian chữa viêm họng cực kỳ hiệu quả

Bác sĩ Nguyễn Hoa, Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam LDO | 10/03/2022 20:00
Thời tiết giao mùa khiến không ít người khổ sở với các triệu chứng của viêm họng. Việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh không chỉ khiến sức đề kháng tự nhiên của cơ thể ngày càng kém đi mà còn khiến tình trạng viêm họng dễ tái diễn, trở thành mãn tính.

Báo Lao Động trích đăng bài viết của bác sĩ Nguyễn Hoa, Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam về những bài thuốc dân gian có thể tham khảo điều trị viêm họng. 

Triệu chứng điển hình của viêm họng là cổ họng đau, sưng nóng, khó nuốt kèm theo sốt, khàn tiếng, mệt mỏi và ho có đờm.

Trong dân gian có rất nhiều vị thuốc hay giúp giảm ngay những triệu chứng khó chịu, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ bệnh tiến triển mãn tính.

Chữa viêm họng bằng gừng tươi 

Từ lâu, gừng tươi (sinh khương) đã được dùng để giảm các triệu chứng ở đường hô hấp như ho, đau họng, đờm ừ, khàn tiếng…

Cách dùng gừng tươi trị đau họng, viêm họng theo kinh nghiệm dân gian:

Cách 1: Ngậm vài lát gừng tươi để long đờm, giảm ho và giảm cảm giác đau rát, khó chịu. Nên áp dụng nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tốt.

Cách 2: Hãm 1 củ gừng tươi xắt lát với 250ml nước sôi. Sau 10 – 15 phút, thêm vào 1 ít mật ong, khuấy đều và dùng uống khi trà còn ấm. Nên dùng đều đặn 2 – 3 lần/ngày – đặc biệt là dùng trước khi đi ngủ để tránh cảm giác đau họng và ho bùng phát mạnh vào ban đêm.

Chữa viêm họng bằng rễ cam thảo

Rễ cam thảo có vị ngọt, tính bình và được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh – đặc biệt là bài thuốc điều trị bệnh lý về dạ dày và đường hô hấp. Theo nghiên cứu từ y học hiện đại, axit glycyrrhizic trong thảo dược này có tác dụng kích thích sản sinh dịch tiết ở phế quản. Từ đó làm giảm độ đặc quánh và giúp loại bỏ đờm một cách dễ dàng thông qua phản xạ ho.

Cách dùng rễ cam thảo trị viêm họng:

Cách 1: Nhai vài lát rễ cam thảo, nuốt nước và nhả bã. Nên dùng đều đặn vài lần trong ngày để giảm nhanh cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng.

Cách 2: Dùng 5g rễ cam thảo hãm với 250ml nước sôi trong 15 – 20 phút. Sau đó, uống từng ngụm trà nhỏ để thành phần trong cam thảo thẩm thấu sâu vào niêm mạc hầu họng.

Chữa viêm họng bằng hỗn hợp nước ấm, chanh, mật ong

Hỗn hợp nước ấm, chanh, mật ong uống khi vừa ngủ dậy giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho tiêu hóa, chữa ho và viêm họng hiệu quả. Quả chanh có chứa rất nhiều vitamin C, vị chua, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, chữa ho, lợi tiêu hóa. Vỏ chanh có vị đắng, the, mùi thơm, tính lạnh, trong đông y có công dụng thông khí, tiêu đờm, trị ho có đờm.

Cách dùng hỗn hợp nước ấm, chanh, mật ong trị viêm họng:

1 nửa quả chanh tươi vắt lấy nước, kèm 1-2 thìa cà phê mật ong, pha bằng một cốc nước ấm. Hoặc bạn có thể đem chanh rửa sạch rồi ngâm với nước muối khoảng 30 phút, để khô sau đó thái lát mỏng, xếp vào lọ. Cứ một lớp chanh pha một lớp mật ong bạn bỏ thêm một ít muối. 

Buổi sáng hàng ngày lấy 3-4 thìa ra cốc, pha với nước ấm để uống, nên pha cả vỏ chanh để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chữa viêm họng bằng lá hẹ

Lá hẹ có chứa các thành phần như đạm, vitamin A, C, Ca, P, và chất xơ, có vị cay, tính ấm có công dụng trợ thận, bổ dương, giải độc, tiêu đờm… Thành phần odorin có trong lá hẹ có công dụng như một chất kháng sinh chống tụ cầu và các chủng vi khuẩn.

Cách chữa viêm họng bằng lá hẹ:

Cách 1: Lấy một nhúm nhỏ lá hẹ tươi rửa sạch với nước, giã nát đắp lên vùng cổ bị viêm họng. Sau đó cuốn băng giữ chặt phần lá đắp khoảng 30 phút rồi tháo ra rửa sạch cổ bằng nước sạch.

Cách 2: Dùng hỗn hợp lá hẹ giã nhuyễn với hai thìa mật ong đem đi hấp cách thủy trong 15 phút. Chắt lấy nước cốt và uống nước cốt này khi còn ấm, bã lá hẹ dùng để ngậm có tác dụng hiệu quả làm dịu cơn đau, giảm đau rát cổ họng.

Chữa viêm họng bằng lá diếp cá

Theo Dược học cổ truyền, lá diếp cá vị cay, tính mát, công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc, giải độc, làm lành các vết lở loét. Rau diếp có thành phần tinh dầu giúp sát trùng, kháng viêm và loại trừ các ổ vi khuẩn, virus trong cổ họng.

Cách chữa viêm họng bằng lá diếp cá

Cách 1: Lá diếp cá rửa sạch, để ráo nước sau đó đem xay nhuyễn hoặc giã nhỏ và lọc lấy nước cốt. Lấy nước cốt này pha với một ít nước ấm rồi uống từng ngụm. Sử dụng 2 lần/ngày, liên tục trong 4-5 ngày có tác dụng hiệu quả.

Cách 2: Lấy khoảng 50g lá diếp cá và 20g lá cam thảo đất, đem rửa sạch rồi cho vào nồi sắc với nước để uống hàng ngày. Thực hiện đều đặn hai đến ba ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn