MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn chiều nay 1.11. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ

Nhóm PV LDO | 01/11/2018 21:30
Chiều nay 1.11, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát phiếu đánh giá kết quả của phiên họp chất vấn lần này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, sau 3 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và có 82 lượt đại biểu tranh luận, các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình.

“Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có thể coi như một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định của Quốc hội về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề. Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.

“Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của ĐBQH. 

Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSNDTC, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đồng thời tập trung vào những nội dung sau:

Về cải cách hành chính, công chức, công vụ. Đẩy nhanh việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về công chức, công vụ; sớm hoàn thành việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tiếp tục chấn chỉnh công tác thi và tuyển sinh để bảo đảm chất lượng hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực công thương. Tiếp tục rà soát xử lý đối với 12 dự án thua lỗ bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước; có giải pháp phù hợp để xử lý vướng mắc đối với từng dự án; tiếp tục thanh tra, kiểm toán, điều tra xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với lĩnh vực y tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông. Xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý không gian mạng, chuẩn bị các công cụ kỹ thuật, nhân lực để giám sát an toàn thông tin, phòng chống việc sử dụng mạng để vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng không gian mạng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với người đưa tin sai, lợi dung không gian mạng để đưa tin sai sự thật, vi phạm pháp luật.

Đối với lĩnh vực tư pháp. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật, ngăn ngừa việc bỏ lọt tội phạm, không để oan sai...

Ngày mai 2.11, dự kiến Chủ tịch Nước sẽ Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn