MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm lọt vào danh sách 100 nhà nghiên cứu tiêu biểu Châu Á năm 2019.

Những ca mổ khó tin của vị bác sĩ vừa lọt top 100 nhà khoa học Châu Á

Lệ Hà LDO | 21/07/2019 15:08
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec là một trong 2 nhà khoa học của Việt Nam lọt vào danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2019. 

Những sáng kiến táo bạo

Đã có quá nhiều bài báo viết về GS.TS Nguyễn Thanh Liêm trong suốt thời gian qua. GS Nguyễn Thanh Liêm từng khiến bạn bè y khoa quốc tế kinh ngạc với những ca mổ vô cùng táo bạo, mang tính tiên phong và rất thành công.

Cặp song sinh dính nhau Cúc - An được GS Nguyễn Thanh Liêm thực hiện năm 2003.

Trong phần tóm tắt thành tích, Tạp chí Asian Scientist nêu hàng loạt thành tích mà GS.TS Liêm đã thực hiện trong quãng thời gian cống hiến cho nền y học nước nhà. 

Nhắc đến GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là nhắc đến nhiều công trình khoa học, nhiều ca bệnh khó nhờ bàn tay vàng của ông đã cứu những sinh mệnh bé nhỏ. Một trong những đóng góp của ông trong y khoa đó là kỹ thuật nội soi.

Cặp song sinh Cúc - An được GS Liêm tách năm 2003 khoẻ mạnh, học giỏi. Ca phẫu thuật “cân não” của GS ở thời điểm đó.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhớ lại: Năm 1997, tôi ứng dụng thành công phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam. Kỹ thuật mổ phình đại tràng bẩm sinh trước đây Việt Nam mổ rất vất vả, biến chứng nhiều bởi một bệnh nhi phải mổ 3 - 4 lần, cứ 3 - 4 tháng lại lên bàn phẫu thuật một lần. Tôi đã sáng tạo và giảm xuống mổ còn 2 lần cho bệnh nhi, rồi 1 lần mổ nhưng vẫn chưa thoả mãn bởi đường mổ mở lớn nên tôi mạnh dạn mổ nội soi và đã thành công. Hơn nữa, đường rạch rút từ 3 xuống còn 1.

Kỹ thuật nội soi sau này còn được GS cùng đồng nghiệp thực hiện trên nhiều bệnh khác. Giờ đây, nói đến kỹ thuật nội soi của Việt Nam, GS Nguyễn Thanh Liêm được coi là bàn tay vàng.

 Khi nghỉ quản lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm 2012, GS Nguyễn Thanh Liêm bắt tay vào nghiên cứu tế bào gốc và đã có những thành công bước đầu. Bệnh nhân được GS điều trị bằng tế bào gốc.

Kỹ thuật nội soi u nang ống mật chủ của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được đưa vào sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới. Với hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và Châu Âu, ông cũng là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei Châu Á về khoa học – công nghệ năm 2018.

Ca phẫu thuật cân não nhất mà GS Nguyễn Thanh Liêm đã trải qua là hai ca mổ tách hai bé sinh đôi dính nhau Cúc - An 18 năm trước. Trước ca Cúc - An, GS đã mổ ca Nghĩa - Đàn. Nhưng áp lực lớn nhất của ca mổ Cúc - An là truyền thông. Thời điểm đó, báo chí đưa tin về ca Cúc - An dày đặc.

”Với một ca mổ như thế, nói thực là tôi không được phép thất bại. Sau phẫu thuật, tôi lo lắng đến mức cả tháng trời, kể cả giữa đêm khuya hay rạng sáng, hay là khi đi công tác nước ngoài, tôi vẫn phải gọi điện cho các bác sĩ, y tá theo dõi sức khoẻ sau hậu phẫu để dặn dò mỗi ngày. Đến giờ, Cúc - An đã bước vào tuổi 18", GS Liêm vui mừng chia sẻ.

"Người nghiện việc" luôn mong muốn nghiên cứu được nhiều phương pháp điều trị tốt cho người bệnh. 

Thế nhưng, GS Liêm bảo rằng: "Tôi là một bác sĩ phẫu thuật mát tay và gặp may. Cái may là tôi đã mổ nhiều ca phức tạp, rủi ro lớn, nhưng tỉ lệ thành công cao". Không bao giờ GS tự nhận mình tài giỏi.

Người nghiện việc

Mặc dù đã “gác kiếm” hơn 7 năm nay nhưng GS Nguyễn Thanh Liêm vẫn gắn với danh hiệu “workaholic” - người nghiện việc. Sau khi nghỉ quản lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2012, GS Liêm vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học. Đây mới là thời gian “chín” cho nghiên cứu khoa học.

Năm 2014, GS Liêm cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam: Ghép tế bào gốc. “Ngày nào tôi cũng gặp các cháu nhỏ mắc bệnh nan y mà y học chưa có hướng chữa khỏi như bại não, tự kỷ, thoát vị màng não tủy, teo đường mật bẩm sinh...”, GS.TS Liêm trăn trở.

Sau 5 năm nỗ lực, đề tài nghiên cứu mang về những kết quả tích cực ngoài mong đợi. Nhiều trẻ bại não đã cải thiện chức năng vận động và phát triển trí tuệ sau điều trị, thay đổi cuộc sống của bệnh nhi. Công nghệ ghép tế bào gốc được GS.TS Liêm mở rộng hướng nghiên cứu sang điều trị bệnh tự kỷ, teo đường mật bẩm sinh, thoát vị màng não xơ phổi ở trẻ nhỏ; xơ gan, thoái hóa khớp ở người lớn.

 Những nghiên cứu giúp người bệnh luôn được GS Nguyễn Thanh Liêm đặt lên hàng đầu.

Kết quả về tế bào gốc sẽ được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới trước khi đưa ra đánh giá khả quan.

Mới đây nhất, nghiên cứu về bộ gene của người Việt do nhóm các nhà khoa học Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec (VRISG) thực hiện vừa được tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation công bố. Bộ dữ liệu giống cuốn từ điển để ngành y làm cơ sở có những tham chiếu cho các nghiên cứu - sinh học liên quan đến sức khỏe, bệnh tật.

"Tôi cũng khá bất ngờ về nguồn gốc của người Việt khi phát hiện về y sinh cho thấy chúng ta có liên quan người Thái. Gen của người Việt khác rất nhiều gen người Trung Quốc. Điều này chứng minh dù bị đô hộ hàng nghìn năm, dân tộc mình không những giữ được ngôn ngữ riêng, mà cả bộ gen. Đó là một sự sống vô cùng mãnh liệt của người Việt. Tôi thấy có một câu rất hay: “Tiếng Việt còn thì nước Việt còn”, giờ ta có thể nói thêm: “Gen Việt còn thì nước Việt còn", GS.TS Nguyễn Thanh Liêm nói.

Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố kết quả bình chọn danh sách 100 nhà nghiên cứu tiêu biểu Châu Á năm 2019. Việt Nam có hai nhà khoa học lọt vào là GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec và TS Nguyễn Thị Hiệp - Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM). GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được Tạp chí Asian Scientist đưa vào mục các nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học đời sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn