MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thay đổi lối sống ngay từ bây giờ để ngăn chặn ung thư. Ảnh: The Indian Express

Những điều cần làm ở độ tuổi 20 và 30 để giảm nguy cơ mắc ung thư

Hương Lê (Theo The Indian Express) LDO | 11/10/2022 10:00

Có những điều không thể thay đổi được khi nói đến ung thư, tuy nhiên cũng có đến một nửa số trường hợp ung thư có thể phòng ngừa được.

Hầu hết chúng ta không nghĩ đến ung thư khi ở độ tuổi 20 và 30. Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người sinh sau năm 1990 có nguy cơ mắc bệnh ung thư trước 50 tuổi cao hơn các thế hệ trước đây.

Mặc dù có một số điều chúng ta không thể thay đổi khi nói đến ung thư - chẳng hạn như một số gen nhất định mà chúng ta đã thừa hưởng - nhưng có đến một nửa số trường hợp ung thư có thể phòng ngừa được. 

Dưới đây là một số thay đổi lối sống quan trọng nhất mà bạn có thể thực hiện ngay từ bây giờ để giảm nguy cơ ung thư.

Không hút thuốc

Không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi mỗi năm, thuốc lá còn liên quan đến 14 loại ung thư khác, bao gồm cả ung thư miệng và cổ họng.

Ngày nay một số người trẻ tuổi đang có xu hướng chọn hút thuốc lá điện tử thay vì thuốc lá thông thường. Tuy nhiên hút thuốc lá điện tử cũng có tác động lớn tới ung thư. Vì vậy tốt nhất hãy nói không với cả hai. 

Thực hành tình dục an toàn

HPV - nguyên nhân gây ra mụn cóc sinh dục - là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới. Nó cũng có thể gây ra một loạt bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, dương vật, miệng và cổ họng. Các bệnh ung thư liên quan đến HPV đặc biệt phổ biến ở những người trẻ tuổi.

Phụ nữ từ 25-64 tuổi nên tầm soát ung thư thường xuyên 5 năm một lần. Ảnh: ST 

Riêng ở Anh, ung thư cổ tử cung được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ 30-34 tuổi. Người ta cũng cho rằng tỷ lệ nhiễm HPV ngày càng tăng có thể là nguyên nhân cho sự gia tăng của bệnh ung thư miệng ở nam giới trẻ tuổi.

Tiêm phòng HPV và quan hệ tình dục an toàn sẽ bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm vi rút. Đối với phụ nữ, kiểm tra cổ tử cung cũng rất quan trọng, vì nó có thể phát hiện sự hiện diện của nhiễm trùng HPV trước khi nó có cơ hội gây ung thư. Do đó, phụ nữ từ 25 đến 64 tuổi nên hướng tới việc tầm soát thường xuyên 5 năm một lần.

Duy trì cân nặng

Thừa cân hoặc béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ruột, vú, tử cung và tuyến tụy.

Chất béo dư thừa dẫn đến tình trạng viêm trong cơ thể, thúc đẩy sự phát triển của các khối u và giúp các tế bào ung thư phân chia. 

Các tế bào mỡ cũng sản xuất ra hormone estrogen, có thể kích thích sự phát triển của các khối u trong vú và dạ con.

Vì lý do này, nguy cơ ung thư gia tăng rõ ràng hơn ở phụ nữ. Các bệnh ung thư liên quan đến thừa cân hoặc béo phì đang trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

Hạn chế uống rượu

Rượu được biết là làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, bao gồm gan, vú và thực quản. Hút thuốc lá trong khi uống rượu cũng có thể làm tăng tác dụng gây ung thư của hút thuốc.

Nên giảm lượng rượu bạn uống - hoặc loại bỏ hoàn toàn - sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn