MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật dị tật bộ phận sinh dục. Ảnh: Chân Phúc

Những lưu ý giúp nhận biết giới tính thật của trẻ

Phúc Ly LDO | 28/02/2023 17:00
Nhiều bé sinh ra thấy cơ quan sinh dục là nữ nhưng khi lớn lên lại phát triển như nam. Ngược lại, cũng có trường hợp vừa sinh, bộ phận sinh dục đã trông giống con trai nhưng thực ra lại là con gái. Việc tìm lại giới tính thật sẽ giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng và phát triển bình thường.

Vừa trải qua cuộc phẫu thuật do mắc dị tật cơ quan sinh dục, bé trai 10 tuổi ngụ tại TPHCM được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thành công và đang trong quá trình hồi phục sức khoẻ. 

Theo gia đình, ngay từ lúc sinh ra bé vẫn đi vệ sinh bình thường. Nhưng càng lớn, bé càng có những biểu hiện phát triển không rõ ràng ở dưới bộ phận sinh dục. “Chúng tôi có thắc mắc vì tính cách của bé ở nhà là nam nhưng phần dưới của con lại không phát triển rõ ràng như những trẻ em khác. Sợ càng lớn con càng mặc cảm nên quyết đưa con đi khám và được bác sĩ tư vấn nên cho bé mổ để phần dưới của bé phát triển bình thường”, anh N.T.N bố bệnh nhi chia sẻ. 

Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu và sinh dục là các khuyết tật ở trẻ, thường xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh ra và làm thay đổi hình dạng, chức năng của các bộ phận trong hệ cơ quan này. Dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu sinh dục chiếm khoảng 1⁄3 các dị tật bẩm sinh của con người.

Dị tật bẩm sinh có thể chỉ ở một cơ quan, cũng có thể nhiều bộ phận cùng mắc. Sẽ xảy ra ở các bộ phận như: thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo, và các bộ phận sinh dục ở nam là dương vật, tinh hoàn, còn đối với bé gái là âm đạo, buồng trứng và tử cung.

Bệnh nhi được phẫu thuật vì bị dị tật bộ phận sinh dục. Ảnh: Chân Phúc

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, bệnh viện là một trong ba cơ sở tại Việt Nam được Bộ Y tế chấp nhận là nơi có thể xác định lại giới tính cho trẻ. Với những trẻ có những khiếm khuyết bẩm sinh dẫn đến trầm cảm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận. Những trẻ này bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán, can thiệp bằng các phương pháp phẫu thuật để xác định lại giới tính cho trẻ. 

Đơn cử, bệnh viện đã từng tiếp nhận một bệnh nhi gia đình cho rằng bé gái, nhưng bộ phận sinh dục khi phát triển lại lớn hơn rất nhiều so với bình thường. Khi đến bệnh viện, Hội đồng xác định lại giới tính cho trẻ dựa trên những kết quả lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh. Bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật, đưa bộ phận sinh dục trở về đúng giới tính là bé trai. Đặc biệt, sau khi can thiệp y khoa, những bệnh nhi này tiếp tục được chăm sóc tâm lý, bệnh viện sẽ có trách nhiệm cung cấp các giấy tờ liên quan để trẻ sống đúng với giới tính thật của mình cả về mặt pháp lý. 

Trung bình một năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 30 trường hợp cần can thiệp để trả lại giới tính thật cho trẻ. Để nhận biết chính xác giới tính thật cho trẻ ngay từ khi mới sinh ra vẫn còn hạn chế. Trong quá trình mang thai, đa số các trường hợp này đều khó phát hiện. Bác sĩ khám giai đoạn này chỉ đóng vai trò bác sĩ sản khoa nên việc nhầm giới tính có thể xảy ra với trẻ vốn bị dị tật bẩm sinh. 

Cũng theo bác sĩ Ngọc Thạch, thời gian vàng can thiệp dị tật bẩm sinh tốt nhất là từ 8-18 tháng tuổi, lúc này có phẫu thuật thì trẻ không có ký ức về việc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn