MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những nguyên tắc vàng khi bơi lội ngày nắng nóng

N.T (T/H) LDO | 22/06/2019 16:08
Khi trời nắng chói chang, gay gắt, nhiều người sẽ tìm đến bể bơi để làm mát cơ thể. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, bơi lội trong thời điểm nắng nóng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Không bơi trong giờ cao điểm nắng nóng: Từ 11 - 16 giờ là khoảng thời gian đỉnh điểm nắng nóng trong ngày. Đây là thời gian tia cực tím từ mặt trời hoạt động mạnh mẽ nhất. Bơi lội ở ngoài trời trong thời điểm này có thể gây hại cho làn da, làm da bỏng rát, cháy nắng, tăng nguy cơ ung thư da.

Thời điểm thích hợp nhất để bơi ngoài trời là 6 - 9 giờ sáng, 17 - 20 giờ chiều. Nếu không thể sắp xếp được thời gian thích hợp, tốt nhất nên chọn bơi ở bể bơi có mái che, khuất nắng.

Không bơi khi ra nhiều mồ hôi: Cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi đồng nghĩa với việc nhiệt độ cơ thể đang ở mức cao. Nếu nhảy ngay xuống nước khi cơ thể chưa ráo mồ hôi, thân nhiệt sẽ bị thay đổi đột ngột, dễ dẫn đến hiện tượng đột quỵ.

Ngoài ra, lỗ chân lông mở rộng khi cơ thể tăng tiết mồ hôi còn tạo điều kiện cho hơi nước ngấm vào cơ thể. Đây là nguyên nhân của tình trạng ho, sốt, cảm, nặng hơn là viêm phổi.

Không bơi quá lâu: Ngâm mình quá lâu dưới nước khiến nhiệt độ cơ thể bị hạ thấp. Khi đó, rất dễ bị cảm lạnh hoặc ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, tim mạch.

Theo các chuyên gia y tế, đối với người lớn, một lần bơi không nên quá 1 giờ. Còn người già, trẻ nhỏ thời gian bơi thích hợp là 30 - 45 phút. Đặc biệt, không bơi liên tục trong 3 giờ, không cố bơi khi thấy trong người không khỏe.

Cẩn thận khi bơi ở sông, hồ: Sông, hồ là khu vực rất nguy hiểm cho hoạt động bơi lội do có nhiều khu vực sụt lún, đá ngầm, không có cứu hộ và đặc biệt chất lượng nguồn nước không được đảm bảo. Do đó nên hạn chế bơi lội ở những nơi này.

Không bơi ở bể bơi quá đông người: Bể bơi quá tải luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài các chất khử trùng như clo, sunfat đồng, cloramin B, khi quá đông người cùng bơi, lội, nước bể bơi còn tiếp nhận thêm vô số tạp chất như tế bào da chết, tóc, mồ hôi, nước tiểu, các loại mỹ phẩm… Điều này khiến nguy cơ mắc các bệnh về da, mắt, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa và viêm nhiễm phụ khoa tăng cao.   

Khởi động kĩ trước khi bơi: Khởi động kĩ trước khi xuống nước giúp làm ấm cơ thể và căng các cơ, xương khớp, do đó, tránh được hiện tượng chuột rút. Nên khởi động ít nhất 10 - 15 phút trước khi bơi.

Ngoài ra, cũng cần chú ý không bơi khi quá đói cũng như khi quá no. Bơi khi đói có thể xảy ra tình trạng mệt lả, mất sức. Trong khi đó, bơi khi quá no dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn