MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gãy xương do loãng xương đặc biệt phổ biến hơn ở người cao tuổi. Ảnh: Xinhua

Những quan niệm sai lầm về gãy xương do bị loãng xương

Giản Thanh LDO | 18/06/2021 12:53

Một trong những nguyên nhân khiến xương dễ gãy là do loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tuy nhiên, không ít quan niệm sai lầm gây ảnh hưởng phòng ngừa hoặc khi trị liệu sau thương tổn.

Tiến sĩ Zhang tại Bệnh viện Xương khớp - Bệnh viện Liên hiệp Vũ Hán, Trung Quốc, đề cập một số quan niệm sai lầm phổ biến sau.

Cho rằng tuổi cao khiến xương dễ gãy là không thể khắc phục

Loãng xương là “sát thủ thầm lặng”, vì giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì. Vấn đề xương dễ gãy, đặc biệt là ở người cao tuổi, là vì hai lý do: Loãng xương và ít vận động thể lực. Người cao tuổi dễ bị loãng xương hơn vì ít vận động hơn, việc tiết ra hormone giảm dần, cộng thêm ăn uống thiếu chất nên không bổ sung đủ canxi.

Việc ít vận động cũng khiến tính linh hoạt của cơ thể người cao tuổi kém, ảnh hưởng đến khả năng phản ứng và khả năng phối hợp của cơ thể trong thao tác, khiến xương của người cao tuổi dễ bị gãy xương hơn. Vì vậy, người có tuổi có thể giảm thiểu nguy cơ gãy xương bằng cách phòng ngừa loãng xương cũng như thường xuyên tập thể dục bảo đảm cho cơ thể luôn linh hoạt trong thao tác.

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ sau 50 tuổi và nam giới sau 60 tuổi nên kiểm tra mật độ xương hàng năm để sớm biết cơ thể có xu hướng thiếu canxi hay suy giảm hàm lượng canxi trong xương hay không, từ đó có kế hoạch điều chỉnh và trị liệu.

Bổ sung canxi bằng canh xương

Bệnh nhân gãy xương thường được người thân cho ăn canh xương, cho rằng như vậy giúp vết thương mau lành. Điều đó không đúng.

Việc bữa nào cũng trông thấy canh xương như vậy sẽ khiến người bệnh nhìn thấy canh xương là ngán, không muốn ăn, vì thế, không có lợi cho quá trình hồi phục. Ngoài ra, không phải canh xương có nhiều canxi, không những không bổ sung canxi, mà ngược lại, dùng quá nhiều canh xương cũng sẽ làm nguy cơ tăng purin và tăng lipid máu.

Thực phẩm có thể bổ sung canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu và các sản phẩm từ đậu, lòng đỏ trứng và cá; các loại hạt như đậu phộng, quả óc chó; các loại rau như củ cải, nấm, mộc nhĩ....

Tưởng rằng sau khoảng 100 ngày khi xương đã liền là an tâm

Y học hiện đại xác định một số giai đoạn trong bình phục gãy xương, gồm giai đoạn hình thành máu tụ sau gãy xương, giai đoạn hình thành mô sẹo sợi sụn, giai đoạn hình thành mô sẹo xương. Tổng cộng mức tối thiểu của 3 giai đoạn này vào khoảng 100 ngày.

Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian đảm bảo vùng xương gãy nối liền lại được bình thường, trong khi với gãy xương do mật độ xương, thời gian điều trị và phục hồi này chỉ là giai đoạn khởi đầu, và mấu chốt điều trị cũng liên quan khắc phục vấn đề loãng xương.

Theo thống kê, nếu gãy xương do thiếu canxi mà không điều trị chống loãng xương sau ca mổ thì khả năng trong vòng 2 năm sau, 1/3 số trường hợp sẽ bị gãy xương tái phát.

Vì vậy, sau khôi phục gãy xương do loãng xương, vẫn còn một chặng đường dài cần quan tâm điều trị ngăn ngừa loãng xương.

Ở nhà tự phục hồi chấn thương xương

Phục hồi chức năng sau chấn thương xương là vấn đề kỹ thuật mang tính hệ thống, cần tính chuyên nghiệp cao, do đó, tốt nhất, người bệnh nên thực hiện dưới hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Việc phục hồi sau thương tổn xương rất quan trọng, không chỉ ngăn ngừa tái chấn thương về sau mà còn giúp người bệnh duy trì chức năng hoạt động sinh lý một cách hiệu quả.

Ngoài ra, phương pháp phục hồi chức năng chấn thương xương ở các bộ phận khác nhau của cơ thể cũng không giống nhau, cần sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để điều trị một cách khoa học nhất có thể, cũng như hạn chế tối đa biến chứng hay tái phát chấn thương về sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn