MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyệt vị trên cơ thể người được phân bố trên hệ kinh lạc, là nơi ra vào của nhiều loại khí: vệ khí, dinh khí và cả tà khí. Ảnh: Từ Ân

Những tác dụng của bấm huyệt đối với sức khỏe con người

Tường Minh LDO | 26/11/2022 10:15
Tiếp theo kỳ trước về bấm huyệt - phương pháp chữa bệnh cổ xưa độc đáo của Đông y là những tác dụng của bấm huyệt đối với sức khỏe con người.  

Tác dụng theo Đông y

Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Chữa bệnh cho mẹ", hoạt động của tạng phủ, kinh lạc là cơ sở cho hoạt động sống của cơ thể con người, trong đó hệ kinh lạc giữ vai trò quan trọng.

Bấm huyệt có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Ảnh: Từ Ân

Hệ kinh lạc là hệ thống các đường dọc và ngang phân bố chằng chịt khắp cơ thể, bên trong vào đến tạng phủ, bên ngoài đến cơ, da.

Nhờ hệ kinh lạc, khí huyết được tuần hoàn để nuôi dưỡng tạng phủ và các bộ phận khác của cơ thể, điều hòa âm dương, làm cho cơ thể trở thành một khối thống nhất, thích ứng được với những biến đổi từ bên ngoài tác động vào cơ thể, chống lại có hiệu quả các quá trình phát sinh, phát triển của bệnh tật.

Huyệt vị được phân bố trên hệ kinh lạc, là nơi ra vào của nhiều loại khí: Vệ khí, dinh khí và cả tà khí.

Khi điều trị theo cách bấm huyệt, bằng những tác động hợp lý trực tiếp vào huyệt (bổ hay tả) giúp cho khí huyết trong hệ kinh lạc được lưu thông, hoạt động chức năng bình thường của các tạng phủ được phục hồi khả năng tự bảo vệ của cơ thể được nâng cao, tà khí sẽ bị đuổi ra ngoài.

Trên cơ sở đó trạng thái cân bằng âm dương vốn có của cơ thể được lập lại, sức khỏe được hồi phục, các chứng bệnh, đau nhức được giải trừ.

Tác dụng theo Tây y

Từ những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu y sinh học, con người đã hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế và tác dụng của phương pháp bấm huyệt chữa bệnh.

Và những tác dụng của bấm huyệt đối với các cơ quan trong cơ thể có thể tóm tắt như sau:

- Đối với da và mô mỡ liên kết dưới da: Da bao bọc cơ thể, chứa các loại cơ quan nhận cảm, bấm huyệt chính là tác động vào các cơ cấu này, hoặc nếu sâu hơn thì tác động vào chính dây thần kinh hoặc bao thần kinh quanh mạch máu, lập nên những vòng phản xạ mới có điều kiện, giúp cơ thể dần dần tự điều chỉnh tái lập lại thế cân bằng đã mất.

- Đối với hệ thần kinh và hệ nội tiết: Bấm vào huyệt sẽ tác động tới hệ thống khép kín thần kinh và nội tiết của cơ thể, thông qua chức năng điều chỉnh của hệ thống này, tạo điều kiện cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng sinh lý.

Các hoạt động cơ bản của vỏ não như hưng phấn, ức chế… của thần kinh thực vật đều có biến đổi rõ rệt khi bấm huyệt.

Khi bấm trúng huyệt, cung phản xạ có điều khiển mới được thành lập và có tác dụng hưng phấn, khả năng thay thế của các nơ ron không bị tổn thương cho các nơron bị tổn thương.

Nếu bấm và day huyệt với thao tác mạnh, nhanh thì có tác dụng kích thích thần kinh, gây co cơ hoặc làm cơ nhão được khỏe lên; nếu day bấm nhẹ, chậm, gây đau êm thì lại có tác dụng an thần, giảm đau, bớt co cứng.

- Đối vơi hệ gân, cơ, khớp: Bấm huyệt làm cho những cơ mệt mỏi chóng được hồi phục, cơ được nuôi dưỡng tốt, phòng chống được tình trạng teo cơ, co cứng, phù nề, nâng cao khả năng làm việc của cơ.

Các gân cơ, bao khớp và xương có sự liên kết chặt chẽ; xung quanh bao khớp có những dây chằng giữ vững ổ khớp. Trong ổ khớp có bao hoạt dịch chứa dịch nhờn để giảm ma sát giữa các đầu xương.

Bấm huyệt có tác dụng tăng tính co giãn, hoạt động của gân, dây chằng, tác động đến quá trình tiết dịch và tuần hoàn của khớp có tác dụng chống viêm sưng nề tại ổ khớp, tăng khả năng nuôi dưỡng và phục hồi chức năng vận động của khớp.

- Đối với hệ tuần hoàn và hệ hô hấp: Bấm huyệt có thể làm tăng tốc độ và lượng máu tuần hoàn, tăng cường quá trình trao đổi chất giữa máu và tế bào.

Các tổ chức được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh các rối loạn cơ năng hoặc phục hồi các tổn thương thực thể.

Trong chữa bệnh, nếu biết tác động vào các huyệt vị phù hợp, có thể làm tăng hay giảm huyết áp, có thể điều chỉnh lại đến mức cân bằng sinh lý.

Khi bấm huyệt trên da, qua vòng phản xạ thần kinh mới thiết lập, sẽ tác động tới trung khu hô hấp, tăng cường sự hoạt động của mô phổi giúp cho sự thông khí dễ dàng, giảm bớt lượng không khí cặn đọng trong phổi.

Bấm huyệt có thể làm cho các tiểu phế quản tận và các phế nang giãn ra hoặc co lại.

- Đối với hệ bạch huyết: Bấm huyệt có thể làm tăng tính thẩm thấu của thành bạch mạch, đồng thời làm tăng lưu thông của bạch huyết, do đó làm giảm hiện tượng phù nề, ứ đọng dịch trong từng bộ phận của cơ thể.

- Đối vơi hệ tiêu hóa: Bấm huyệt làm tăng hoặc giảm nhu động và tiết dịch của dạ dày, ruột là tùy thuộc vào vị trí huyệt và cường độ bấm.

Bấm huyệt có thể làm giảm hoặc cắt đứt cơn đau vùng thượng vị, các cơn đau quặn do rối loạn tiêu hóa, do viêm tiểu tràng, viêm đại tràng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn