MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
U hỗn hợp tuyến nước bọt tại vùng mặt của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Những thông tin cần biết về u hỗn hợp tuyến nước bọt

Hương Giang LDO | 10/08/2023 22:00

U hỗn hợp tuyến nước bọt là mặt bệnh chính trong bệnh lý u và nang tuyến nước bọt lành tính.

ThS.BS Nguyễn Quang Khải- Khoa Răng Màm Mặt, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, u hỗn hợp tuyến nước bọt lành tính là loại u thường gặp nhất với tỉ lệ tới 2/3 trong các loại u tuyến nước bọt.

U còn được gọi với tên khác là u đa hình tuyến nước bọt do có nguồn gốc từ thành phần biểu mô và biểu mô cơ.

U chiếm khoảng 70-80% trong số các u lành tính tuyến nước bọt, đặc biệt thường thấy ở tuyến nước bọt mang tai. Vị trí u thường gặp ở thùy nông tuyến nước bọt mang tai, chiếm 84%.

Nguyên nhân u hỗn hợp tuyến nước bọt

U hỗn hợp tuyến nước bọt gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên gặp nhiều hơn ở độ tuổi 30-60. U xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới với tỉ lệ 2:1.

Nguyên nhân của u hỗn hợp tuyến nước bọt chưa được xác định rõ ràng nhưng có bằng chứng cho thấy tỉ lệ xuất hiện u tăng cao từ 15-20 năm gần đây liên quan tới phơi nhiễm bức xạ.

Một nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng một loại virus gây ung thư ở khỉ (SV40) có liên quan tới sự khởi phát và tiến triển của u hỗn hợp tuyến nước bọt.

Vùng đầu cổ là nơi phơi nhiễm bức xạ nhiều hơn cả nên có nguy cơ cao xuất hiện khối u loại này. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác được biết đến như: Hút thuốc, phơi nhiễm các yếu tố công nghiệp như sản xuất cao su, thợ làm tóc, hợp chất nickel…

Biểu hiện của u hỗn hợp tuyến nước bọt

Triệu chứng giai đoạn đầu của u hỗn hợp tuyến nước bọt rất nghèo nàn, hầu như xuất hiện với một khối đơn độc, phát triển chậm, không đau.

Sau nhiều năm, bệnh nhân thường đến khám với các dấu hiệu: U tăng kích thước lớn hơn, da trên u gồ cao, màu sắc da bình thường, sờ u có chỗ rắn, chỗ mềm, di động.

Tùy vào vị trí của u mà có thể có các biểu hiện khác nhau. Trong tuyến nước bọt mang tai, dấu hiệu bại thần kinh mặt (dây thần kinh VII) như méo miệng nhẹ… xuất hiện khi khối u lớn hoặc chuyển dạng ác tính.

U trong thùy sâu tuyến nước bọt mang tai có thể nhìn thầy hoặc sờ thấy sau amydal hoặc cạnh hầu. U tại các tuyến nước bọt phụ có thể gặp ở nhiều nơi với các triệu chứng tại chỗ khác nhau.

Chảy máu cam hoặc ngạt mũi có thể là dấu hiệu đầu tiên của khối u tuyến nước bọt phụ tại vách ngăn mũi. Trong khi các khối u ở đáy lưỡi lại gây cảm giác nuốt vướng và nghẹn. Các khối u ở vùng miệng lại có thể gây khít hàm…

Nếu u thoái hóa ác tính có thể kèm các dấu hiệu như sự phát triển nhanh về kích thước của các khối u đặc biệt là các u có kích thước nhỏ, sùi loét da trên u, cứng, chắc, di động hạn chế, liệt thần kinh mặt.

Điều trị u hỗn hợp tuyến nước bọt

U hỗn hợp tuyến nước bọt có nguy cơ ác tính hóa tỉ lệ theo thời gian tổn thương tại chỗ (1,5% trong 5 năm đầu, 9,5% sau 15 năm).

Vì vậy, điều trị lý tưởng là phẫu thuật cắt bỏ, thậm chí với tổn thương là lành tính, có báo cáo tỉ lệ tái phát 7-15%.

Những yếu tố nguy cơ ác tính khác như tuổi cao, xạ trị, kích thước u lớn và những khối u dễ tái phát. Tùy thuộc vào vị trí u mà lựa chọn các phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn