MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân Hà Thị T, 31 tuổi, người dân tộc Mường (Tân Sơn, Phú Thọ) mắc phì đại tuyến vú

Nỗi khổ chị em mang ngực quá khổ, ngã sấp mặt

L.Hà LDO | 27/06/2018 13:43
Chứng phì đại tuyến vú có tỉ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển). Nhiều chị em khổ sở, mất tự tin trong cuộc sống khi mắc phải chứng bệnh này.

Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội): Trường hợp tuyến vú quá lớn và phát triển quá nhanh là hiếm gặp. Ở Việt Nam, chứng phì đại tuyến vú có tỉ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển). Bệnh hay gặp ở tuổi 18 - 20 hoặc sau khi sinh nở, nguyên nhân do rối loạn hormone (thường có tính gia đình). Trọng lượng khối vú ở những trường hợp này thường 1,2-1,5kg, thậm chí lên tới trên 2kg (ở người bình thường là khoảng 500-600g). Cách điều trị là phẫu thuật thu gọn có bảo tồn tuyến vú để bệnh nhân vẫn nuôi con được bằng sữa mẹ.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội các bác sĩ đã thực hiện khoảng 30 ca phẫu thuật phì đại tuyến vú. Sự phát triển phì đại của tuyến vú không chỉ khiến người bệnh mặc cảm mà còn gây nhiều rắc rối trong sinh hoạt, đi lại, để lâu cột sống sẽ chịu tác động của sức nặng từ ngực khủng sẽ bị đau, biến dạng cột sống.

Hiện nay, phẫu thuật thu gọn tuyến vú đã có phương pháp mới để thu gọn và vẫn bảo tồn được tuyến sữa, cảm giác cho người bệnh.

Bệnh nhân Hà Thị T (31 tuổi, người dân tộc Mường,Tân Sơn, Phú Thọ) lấy chồng năm 18 tuổi, sau một năm thì sinh hạ con gái đầu lòng. Từ giữa năm 2016, khi đang mang thai đứa con thứ 2, chị thấy ngực to nhanh bất thường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng bỏ từ khi biết chị mắc bệnh, chị T cố gắng chịu đựng sống qua ngày đoạn tháng. Chỉ đến khi ngực chảy sệ đến quá bẹn khiến chị sinh hoạt, lao động khó khăn nên mới đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ xác định bệnh nhân mắc phì đại tuyến vú và đã phẫu thuật thu gọn vòng 1 thành công.
Bệnh nhân Phạm Thị Đ (26 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu phì đại kể từ khi sinh con. Chỉ trong vòng 6 tháng, tuyến vú của người phụ nữ này đã dài chừng nửa mét. Sức nặng của bộ ngực khiến người phụ nữ như “dẻ khoai” bước đi nặng nề, khó thay đổi tư thế và không thể làm được việc gì. Khi ngủ, chị luôn phải nằm nghiêng để tránh ngạt thở.
Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã phẫu thuật cắt đi phần vú mỗi bên nặng hơn 4 kg.
Bệnh nhân Nguyễn Thị H (sinh năm 1975, ở Uông Bí, Quảng Ninh) cũng được GS.Ts Trần Thiết Sơn phẫu thuật cắt bỏ 3,4kg trên bộ ngực khổng lồ và tạo vú thành công. Thời con gái, ngực chị H phát triển bình thường nhưng sau khi sinh con đầu vào năm 2003, ngực bắt đầu to lên. Thời điểm đó, bác sĩ sản khoa cảnh báo chị có triệu chứng phì đại tuyến vú nhưng chị không đi khám vì chưa thấy ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Năm 2017, ngực chị H to nhanh bất thường, khiến chị khó thở, thoái hóa cột sống cổ, tê bì tay, gù lưng, ăn mặc khó khăn, cảm thấy không tự tin… Chị H lại bị hen nên ngực quá to khiến chị khó thở, bệnh hen nặng lên.
Sau sinh con đầu lòng, bầu vú trái của chị Triệu Mùi P (18 tuổi, dân tộc Dao, ở xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) bỗng dưng phì đại. Sức nặng của vú kéo dài bầu ngực trái của bệnh nhân này xuống qua rốn, dài tới 39cm, nặng khoảng 2kg. Bệnh nhân này đã được phẫu thuật thu gọn tuyến vú phù đại tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, với sự giúp đỡ về chuyên môn của GS.TS Trần Thiết Sơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn