MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi khổ của những người phụ nữ mang ngực "khủng"

Lệ Hà LDO | 14/08/2017 07:12
Bộ ngực mỗi ngày một to tới mức quá khổ, chảy xệ gây đau tức, khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt, các bác sĩ gặp những trường hợp này đều yêu cầu phẫu thuật và tạo hình. Nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Ngực to bất bình thường

Bệnh nhân Trần Anh T., 30 tuổi “cầu cứu” bác sĩ trong tình trạng bộ ngực to bất thường. Sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị u vú dạng phyllode, vú sa trễ nhanh chóng trong 6 tháng gần đây. Lúc nhập viện bệnh nhân có hai bầu vú khổng lồ với thể tích mỗi bên vú 4000cc, khoảng cách giữa xương đòn và núm vú khoảng 55cm. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh pôn, Hà Nội đã quyết định phẫu thuật cắt mỗi bên vú khoảng 4kg, và điều đáng mừng là sau một thời gian không có tình trạng tái phát khối u. Bầu ngực bảo tồn được quầng núm vú về cảm giác và khả năng tiết sữa. 

Các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng từng phẫu thuật cắt bổ bộ ngực khổng lồ cho chị H.T.T, sinh năm 1986, dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. 

Chị T. kể, giữa năm 2016, khi đang mang thai con thứ hai, chị thấy ngực to, chảy xệ hơn bình thường. Do đang trong quá trình mang thai, chị T. nghĩ ngực to lên vì có bầu. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, bộ ngực ngày càng to nhanh kèm theo tình trạng đau tức. Sau khi chị sinh con, ngực ngày càng to lên. Do con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị T. cố chịu đựng. 

Sau khi tiến hành kiểm tra, xét nghiệm các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ xác định bệnh nhân bị u lành tính Phyloid. Bệnh tạo ra những nang xơ ở vú. Những nang xơ này là “thủ phạm” kéo dài tuyến vú và quyết định phẫu thuật cắt bỏ bộ ngực khổng lồ.

Ngực "khủng" có nhiều loại bệnh khác nhau

GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, cũng là ngực to quá khổ nhưng mỗi người mắc một bệnh khác nhau. Với bệnh nhân H.T.T không phải mắc bệnh phì đại tuyến vú, mà là u lành tính Phyloid. Bệnh tạo ra những nang xơ ở vú. Những nang xơ này là “thủ phạm” kéo dài tuyến vú. 
 
“Việc điều trị u lành tính Phyloid sẽ khó hơn. Tuyến vú khi bị kéo giãn làm cho tuyến vú trở thành một “hồ” máu, tích tụ máu. Khi phẫu thuật cần tiên lượng tốt, hạn chế tối đa lượng máu bị mất. Việc phẫu thuật không hề đơn giản. Quan trọng nhất là khâu hồi sức. Bệnh nhân cần hạ huyết áp xuống để tránh chảy máu nhiều. Trên bộ ngực tập trung lượng máu khá lớn nên khi phẫu thuật cần chuẩn bị trước một lượng máu nhất định để sẵn sàng tiếp máu khi bệnh nhân bị mất máu quá nhiều. Tiếp đến là tạo hình ngực. Nếu không được tạo hình đúng cách sẽ làm hoại tử vùng ngực của bệnh nhân”, GS.TS Sơn cho hay.

Bệnh nhân Trần Anh T. bị sa trễ hay phì đại khổng lồ là một tình trạng bất thường của vú rất hiếm gặp. Với bệnh phì đại tuyến vú, người bệnh cũng cần được xử lý sớm. Nếu bệnh phì đại tuyến vú không phẫu thuật, thì bộ ngực nặng sẽ kéo trọng tâm cơ thể về phía trước, lâu dài có thể gây cong vẹo và biến dạng cột sống của người bệnh, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não. Ngoài ra, bệnh nhân thường trong tư thế phải khom vai để cố không lộ ngực, nên lồng ngực cũng có thể bị biến dạng, gây chèn ép và giảm chức năng các cơ quan bên trong.

Trường hợp tuyến vú quá lớn và phát triển quá nhanh là hiếm gặp. Ở Việt Nam, chứng phì đại tuyến vú có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển). Bệnh hay gặp ở tuổi 18 - 20 hoặc sau khi sinh nở, nguyên nhân do rối loạn hormone (thường có tính gia đình). Trọng lượng khối vú ở những trường hợp này thường 1,2-1,5kg, thậm chí lên tới trên 2kg (ở người bình thường là khoảng 500-600g). Cách điều trị là phẫu thuật thu gọn có bảo tồn tuyến vú để bệnh nhân vẫn nuôi con được bằng sữa mẹ. Sau phẫu thuật, ở bất kỳ bệnh nào các bác sĩ cũng cố gắng tạo hình để bầu ngực, chức năng của tuyến vú vẫn được đảm bảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn