MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân Nguyễn Thị H, 43 tuổi, bị bỏng do xách xô nước nóng và bị vấp ngã

Nước sôi đổ vào người, lột da toàn thân

LH LDO | 02/02/2018 15:06
Trong 10 ngày gần đây, BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 7 trường hợp bị bỏng do nước sôi, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nhiều người nghĩ rằng bỏng chỉ xảy ra vào mùa hè nhưng vào mùa đông bị bỏng còn nguy hiểm hơn.

Tổn thương bỏng rất đa dạng 

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhi Lý Thùy T (1 tuổi, ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đang nằm điều trị bỏng toàn vùng ngực, cánh tay và đùi phải. Mẹ bệnh nhi T cho hay, cốc nước nóng để trên bàn, T chập chững đi bước tới kéo xuống. Cả cốc nước vừa đun sôi dội thẳng vào người bé.

Một trường hợp khác là bé Đỗ Anh T (3 tuổi, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cũng bị bỏng sâu. Người nhà bệnh nhi cho biết, người lớn để chậu nước sôi chuẩn bị tắm cho bé, bé nghịch với vào chậu nước sôi nên đã bị bỏng 2 cẳng tay, bàn tay.

Có cả trường hợp bị bỏng do sơ ý trong sinh hoạt như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H (43 tuổi, trú tại Phúc Ninh, Yên Sơn, Tuyên Quang). Chị H bị bỏng do xách xô nước nóng và bị vấp ngã nên đã bị toàn bộ xô nước nóng đổ vào người làm bỏng toàn bộ vùng thân mình, 2 cánh tay, vùng đùi và bộ phận sinh dục.

BS Lê Mậu Thành, Khoa Chấn thương chỉnh hình (BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất ở mùa đông là bỏng do nước sôi. Ngoài ra, có thể do dầu mỡ sôi, lửa hoặc điện, hóa chất.

Tổn thương bỏng rất đa dạng. Bỏng ở vị trí cánh cẳng tay, đặc biệt là bàn tay, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và lao động. Ngoài ra, các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục cũng rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản.

Cách sơ cứu

Bỏng vào mùa đông thường nguy hiểm do khi bỏng nạn nhân mặc quá nhiều quần áo nên quá trình sơ cứu chậm hơn. Khi bị bỏng nước sôi việc đầu tiên là phải nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.

Tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Không áp dụng các biện pháp truyền miệng như phun rượu, bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. 

Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách: Dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm. 

Khi trẻ bị bỏng, nếu vùng bỏng lớn thì không nên cởi bỏ quần áo khiến trẻ bị lột da vùng bỏng. Thay vào đó, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm. Nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép… trước khi vết bỏng bị sưng nề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn