MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em đang phải hứng chịu hậu quả của ô nhiễm không khí. Ảnh: medium.com

Ô nhiễm không khí: Quả bom đếm ngược đe doạ nghiêm trọng sức khỏe trẻ em

Trà My LDO | 04/10/2019 18:47

Sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới đang bị đe dọa bởi quả bom đếm ngược mang tên ô nhiễm không khí

Trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là tác nhân hàng đầu gây nên những bệnh về đường hô hấp, cũng là nguyên nhân của hơn 3 triệu cái chết mỗi năm. Nhưng ít ai biết rằng, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí. 

Với diện tích phổi chỉ lớn bằng 20% diện tích phổi của một người trưởng thành, trẻ nhỏ cần nhiều oxy hơn. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.

Bên cạnh việc phải hít vào lượng không khí lớn gấp đôi, khả năng chống lại ô nhiễm của trẻ nhỏ cũng thấp hơn so với người lớn. Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn rất kém, dễ mắc các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra. Thêm vào đó, trẻ em lại thích vui chơi ngoài trời nhiều hơn, ít có ý thức tự bảo vệ che chắn cơ thể như người lớn.

Trẻ em còn dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm trước cả khi sinh ra đời. Những bà mẹ mang thai tiếp xúc quá nhiều với không khí độc hại dễ dẫn đến nguy cơ sinh non, em bé sinh ra thiếu cân.

Tờ The Guardian dẫn một số nghiên cứu cho biết đã tìm thấy mối liên hệ giữa phơi nhiễm trước khi sinh với ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến u nguyên bào võng mạc và bệnh bạch cầu ở trẻ em.

Không dừng lại ở đó, ô nhiễm không khí làm trẻ nhỏ kém phát triển, dẫn đến còi cọc hoặc không thể phát triển chiều cao. Trẻ có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, dễ bị các cơn hen phế quản cấp tính tấn công.

Không khí độc hại cũng tác động đến sự phát triển thần kinh và khả năng nhận thức của trẻ nhỏ. Trẻ em tiếp xúc lâu dài với không khí độc hại có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 90% trẻ em trên thế giới, tương đương 1,8 tỉ em, đang phải hít thở không khí độc hại. Nghiên cứu mới nhất của WHO chỉ ra rằng, có khoảng 600.000 trẻ em tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do không khí độc hại và 93% trẻ em trên thế giới đang phải tiếp xúc với loại bụi mịn nguy hiểm nhất PM2.5. Ở những đất nước kém phát triển, 98% trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với PM2.5. 

“Ô nhiễm không khí đang cản trở sự phát triển của trẻ nhỏ, gây nguy hại đến sức khỏe của các bé nhiều hơn chúng ta tưởng. Nhưng cũng có rất nhiều biện pháp trực tiếp giảm thải không khí độc hại”  - tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Maria Neira - Giám đốc sức khỏe cộng đồng và môi trường của WHO phát biểu.

Làm gì để bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí?

Không thể chối bỏ sự đáng sợ của ô nhiễm không khí nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa và ngăn chặn hậu quả của nó. Các chuyên gia y tế khuyến khích phụ huynh sử dụng khẩu trang cho trẻ em khi ra đường. Tránh cho trẻ ra ngoài vào những giờ cao điểm trong ngày. Nên cho trẻ ở nhà vào những ngày chỉ số chất lượng không khí lên mức cao. Cho trẻ rửa tay thường xuyên, ngay sau khi trở về nhà, để loại bỏ bụi bẩn bám trên cơ thể. 

Đặc biệt, cha mẹ nên thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, nhất là nơi trẻ thường hay chơi đùa như phòng đồ chơi, giường ngủ. Hộ gia đình nên cân nhắc mua máy lọc không khí trong nhà vì mức độ ô nhiễm không khí ở trong nhà và ngoài trời là tương đương nhau. 

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động đỏ và cần được chú trọng hơn nữa. Nhất là đối với trẻ nhỏ, phụ huynh nên tự trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe con em, bởi hậu quả của ô nhiễm không khí lên trẻ em không thể lường trước được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn