MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngón chân khổng lồ của cháu Huế trước khi được phẫu thuật. Ảnh: Tâm Am

Ông Tiến sỹ đi cắt ngón chân khổng lồ

Tâm Am LDO | 18/12/2019 14:00

Vừa rồi đi công tác miền núi Bắc Giang, tôi có ghé qua huyện Lục Ngạn, thăm anh Nguyễn Văn Sinh, bố Nguyễn Thị Huế, cô bé từng được cuốn sách của NXB Thanh Niên đề cập đến với chi tiết mang tính “Chuyện lạ và kỷ lục Việt Nam”: Ngón chân khổng lồ”. 

Gia đình và xóm mạc vẫn không thôi xúc động trước tấm lòng của Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nam học, cũng là người sáng lập Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ (23 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội). Với tôi, đó là một câu chuyện xúc động về tình người, về lẽ sống tận hiến vì cộng đồng. 

Mọi việc bắt đầu từ một bài báo của tôi về cháu Huế - "Cô gái có ngón chân khổng lồ" (tên bài viết). Khi ấy, Huế mới 14 tuổi, do hậu quả chất độc độc hóa học, nên tuổi thơ của bé đong đầy nước mắt. Với ngón chân cái to bằng vốc tay, dài thều lễu như quả dưa chuột lớn, Huế không ít khi bị chúng bạn chê cười, trêu chọc. Sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn.

Cháu đi học cứ phải nghiến răng kéo lê cục thịt nặng trĩu đó ở chân. Dáng đi của cháu lệch hẳn, bàn chân bên phải chẹo đi, ngón cái to lộc ngộc kỳ dị đã bẻ cong các ngón bên cạnh, khiến cho chúng bị tõe ra. Xiên xẹo, kỳ dị. Khỏi phải nói Huế đã đau khổ và mặc cảm đến thế nào.

Hơn thế, gia đình, xóm mạc, kể cả các bác sỹ từng thăm khám cho Huế, đều rất sợ ngón chân cứ to dần với tốc độ khi ấy, thì chẳng mấy chốc nó sẽ bằng bắp đùi cháu. Cháu sẽ không thể khiêng nổi cái phần cơ thể đáng nhẽ luôn nhỏ xíu và xinh xẻo để chuẩn bị bước vào tuổi thiếu nữ kia. Huế là cô bé đa sầu đa cảm, yêu thơ văn. 

Chân của cháu Huệ sau khi được phẫu thuật. Ảnh: Tâm Am

Nhớ mãi trong lần đầu gặp, vừa khóc, Huế vừa bảo, cháu đi học và thích nhất bài “Muốn làm thằng Cuội” của Tản Đà trong sách giáo khoa: “Đêm thu buồn quá chị Hằng ơi/ Trần giới này em chán nửa rồi/ Cung quế có ai ngồi đó chửa/ Cành đa xin chị nhắc lên chơi”. 

Tôi đã tái mặt khi nghe Huế tâm sự tê tái như vậy ở một bé gái 14 tuổi trong xóm nghèo. Cô bé già trước tuổi và quá cô đơn với ngón chân khổng lồ kỳ quái của mình! Có giấc mơ, ngón chân mọc nanh vuốt, khoác áo choàng đen như một gã thần chết rồi cứ thế vây đuổi em.

“Cháu đi học, ngón chân nó vướng vào cỏ, cứ thế lồm xồm không làm sao nhúc nhích được. Suốt từ nhỏ cháu chưa từng được xỏ bàn chân bên phải vào dép một lần. Nó đã nặng, lại còn bẩn và xấu”, Huế khóc kể. 

Cháu Huệ (áo tím) bên người thân. Ảnh: Tâm Am

Đọc bài báo, Tiến sỹ Lê Vương Văn Vệ lập tức gọi cho tôi: "Ta đi cắt chân cho cháu nó nhỉ!". Cứ tưởng anh nói đùa, đến một hôm, tôi nhận được cuộc điện thoại rất ngẫu hứng. “Ông xuống đi chứ, ta đi cắt chân cho Huế”. Tiếng cười ròn tan, hóa ra ông Tiến sỹ lái xe đến cổng tòa soạn từ bao giờ, cũng chả thèm hẹn trước. 

Lên đến thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, anh Vệ và tôi đi bộ qua những con đường nhỏ hoang sơ, bờ rào bằng các hàng cây xanh rì lộn xộn. Nhấc, đặt bàn chân cháu gái 14 tuổi lên bàn uống nước, anh Vệ cứ ngồi trầm ngâm. Cháu Huế ngồi chơ vơ có vẻ xấu hổ.

Gương mục kỉnh lên, im lặng rất lâu, rồi anh Vệ mủm mỉm cười và gật gù, bảo người cựu binh Nguyễn Văn Sinh: “Cái này tôi cắt ngon!”. Thấy gia đình rụt rè, vì những lần đi khám tốn kém họ sợ lắm rồi, anh Vệ hiểu ý nói ngay: “Tôi tài trợ tất tật kinh phí”. Bố cháu Huế gạt nước mắt lẩm bẩm: "Nhà bác nói thật hay đùa ạ"? 

Mọi việc diễn ra suôn sẻ, kết thúc có hậu, khỏi cần kể nữa. Huế trở về đi học bình thường, anh Sinh cứ tấm tắc mãi: “Cái nhà bác ấy giản dị thật, nói là làm”. Tiến sỹ Vệ đã truyền cảm hứng cho tôi về một lẽ sống “làm một cái gì đó cho đời”, cứ xắn tay áo lên mà học, học rồi làm. Có Tấm lòng với Đời, thì không có việc gì là quá khó nữa cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn