MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có thể gặp triệu chứng khó thở, hụt hơi kéo dài.

Phải làm gì khi mắc triệu chứng khó thở hậu COVID-19 và tập thở ra sao?

AN AN LDO | 18/03/2022 09:57

Triệu chứng khó thở hậu COVID-19 có thể tự hết sau một vài tuần khỏi bệnh nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt, giảm khả năng lao động. Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã tư vấn về vấn đề này. 

Thời điểm cần đi khám hậu COVID-19

Nhiều người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng vẫn còn mệt mỏi, khó thở kéo dài, thở gấp, hụt hơi khi gắng sức. Hiện các nhà nghiên cứu đã xác định được những bất thường trong phổi của những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài. Virus đã gây ra một số bất thường dai dẳng trong cấu trúc vi mô của phổi hoặc hệ mạch phổi, ảnh hưởng đến trao đổi carbon dioxide và oxy.

Theo bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh những tổn thương hay gặp nhất ở phổi là hình kính mờ, xơ hóa phổi, viêm phổi tổ chức, dày các vách liên tiểu thùy, khí phế thũng…

Nhiều F0 đã và đang điều trị vô cùng quan tâm thời điểm cần đến gặp bác sĩ hợp lý hậu COVID-19. Bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn tư vấn cần đi cấp cứu hoặc gọi tổng đài Cấp cứu 115 khẩn cấp nếu xuất hiện cơn hụt hơi đột ngột, cảm thấy tức ngực hoặc khó nói. 

Dấu hiệu cần đi cấp cứu ngay như xuất hiện cơn đau tức ngực; cơn đau nhói ngực lan đến cánh tay, lưng, hàm, cổ có thể kèm cơn đau nhói tim. Ngoài ra cần đi khám bác sĩ ngay nếu gặp các triệu chứng đi kèm như thở khò khè; khó chịu ở ngực, đau hoặc đau ngực; cổ họng căng cứng hoặc ho, nuốt sặc; khó thở ngay cả khi hoạt động nhẹ hoặc trong khi nghỉ ngơi; xuất hiện cơn khó thở trong đêm hoặc khi ngủ; phải đứng lên mới thở được; khó thở khi nói chuyện và khi hít vào hoặc nghẹt thở khi ăn uống

Những việc cần làm khi thấy khó thở hậu COVID-19

Khi bị khó thở, hoặc xuất hiện cơn khó thở đột ngột có thể khiến chúng ta cảm thấy hoảng loạn hoặc lo lắng. Điều này có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Để cải thiện tình hình, Phạm Mạnh Hoàn đã hệ thống những việc cần làm sau:

  • Cần bình tĩnh, tập thở bằng cách hít thở sâu và thở ra chậm rãi
  • Thở mím môi
  • Hít hơi nước nóng, hoặc xịt thông mũi giúp đường thở thông thoáng hơn
  • Chọn tư thế ngồi thoải mái
  • Sử dụng quạt cầm tay để quạt không khí qua mũi và mặt có thể giúp loại bỏ cảm giác khó thở. Lực của luồng không khí trong khi hít sẽ giúp bạn cảm thấy như có thêm không khí vào phổi.
  • Uống trà gừng bằng cách cắt vài lát gừng tươi cho vào 2 cốc nước sôi. Đậy nắp trong 10 phút, cho thêm chanh và mật ong vào rồi uống, giúp dễ thở hơn.
  • Không hoạt động liên tục, đặc biệt tránh hoạt động khom lưng gập người như nghề bốc vác, khiêng đồ nặng, cần có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên trong một hoạt động.
  • Chuẩn bị thiết bị đo áp độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên (SpO2)
  • Làm việc với tần suất vừa phải, nhờ sự giúp đỡ từ người khác, không làm việc quá gắng sức
  • Bắt đầu với tập thể dục từ từ đi bộ đến khi khỏe mạnh có thể chạy bộ. Tuyệt đối không tập chạy khi bản thân thấy còn khó thở
  • Tập thở với các bài tập thở đơn giản như động tác thiền
  • Thở bụng thư giãn: Kỹ thuật thở này có thể giúp ích nếu bạn khó hô hấp sau khi thực hiện bất kỳ hoạt động nào. Nó có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc hoảng loạn.

"Khó thở hậu COVID-19 xuất phát từ những tổn thương trên phổi như tình trạng phổi đông đặc, xơ hóa, kín mờ, sẹo, tổn thương ngoại biên… Bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy, hay thở oxy có nguy cơ bị khó thở cao hơn so với người bình thường. Với người bệnh gặp tình trạng khó thở, hụt hơi, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng, kết quả chụp X-quang, CT-Scan phổi để có hướng điều trị phù hợp" - bác sĩ Phạm Mạnh Hoàn nhận định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn