MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẫu sán dây thu hồi tại Phòng khám bệnh Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM

Phát hiện ổ bệnh lợn gạo tại Bình Phước: Nhiều người có thể đã mắc bệnh

Kim Đồng LDO | 06/11/2018 19:15
Ngày 6.11, PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng (Viện SR-KST-CT), TPHCM cho biết, qua công tác giám sát, Viện SR-KST-CT - đơn vị phòng chống và điều trị bệnh ký sinh trùng (giun, sán, nấm, đơn bào) ở khu vực phía Nam đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước).

Sau đó, Viện phát hiện nhiều trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn (lợn gạo) ở địa phương này và các xã lân cận. Tiến hành xét nghiệm những con lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo), kết quả đã phát hiện thấy các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 - 70 nang ấu trùng/kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.

Trước vụ việc này, ngày 2 đến 10.4.2018, Viện SR-KST-CT TPHCM đã kết hợp với Trung tâm Y học dự phòng (TTYTDP) quân đội phía nam Bộ Quốc phòng và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã của khu vực (Phú Nghĩa, Đak Ơ, Bù Gia Mập của Huyện Bù Gia Mập).

Kết quả cho thấy: có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95 %. Trong đó: Xã Phú Nghĩa chiếm 9,19 % (26/283 mẫu xét nghiệm); Xã Đăk Ơ 14,9 % (48/322 mẫu xét nghiệm); Xã Bù Gia Mập chiếm 11,37 % (34/299 mẫu xét nghiệm).

Theo PGS.TS Lê Thành Đồng cho biết, đây là một tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn do tập quán chăn nuôi lợn thả rong, ăn uống, sinh hoạt của nhân dân khu vực liên quan nhiều đến nhiễm bệnh từ thịt lợn chưa nấu chín.

Viện SR-KST-CT TPHCM đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít, có thể do ở cơ sở y tế địa phương thiếu thuốc điều trị, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường chưa được giải quyết triệt để.

Đáng nói, tình trạng nhiễm bệnh này có thể xảy ra ở nhiều địa phương có phong tục, tập quán và tình trạng chăn nuôi lợn thả rông tương tự như ở các xã của Huyện Bù Gia Mập mà chưa được phát hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn