MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phạt vi phạm nồng độ cồn: TPHCM giảm tai nạn giao thông do “ma men”

Anh Nhàn - Thanh Chân LDO | 09/01/2020 18:13

Sau hơn một tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu bia tại TPHCM giảm so với trước.

Ngày 9.1, thông tin từ Khoa cấp cứu (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM) cho hay, số lượng bệnh nhân tai nạn giao thông trong 1 tuần đầu năm 2020 giảm nhẹ.

Theo thống kê, số bệnh nhân tai nạn giao thông (trong đó có tai nạn từ rượu, bia) từ đầu năm đến ngày 8.1 giảm so với tuần cuối năm 2019 và không có ca bệnh nào tử vong. Nếu tuần cuối cùng của năm 2019, bệnh viện tiếp nhận 377 trường hợp tai nạn thì trong tuần đầu tiên của năm 2020, bệnh viện chỉ tiếp nhận 374 ca bệnh (giảm 4 ca). 

Bác sĩ bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM đang cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra. Ảnh: BV cung cấp

Còn tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM), bác sĩ Kim Phúc Thành - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cũng cho biết, trong một tuần đầu năm 2020, số bệnh nhân tai nạn giao thông tại bệnh viện giảm rõ rệt.

“Thống kê từ ngày 1 đến ngày 6.1, bệnh viên tiếp nhận 51 ca bệnh do tai nạn giao thông gây ra. Đáng mừng là tai nạn giao thông do rượu, bia giảm mạnh. 

Trong một tuần qua, cách 2-3 ngày, bệnh viện mới tiếp nhận một trường hợp cấp cứu mà bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu trong khi năm ngoái, các ca bệnh do tai nạn giao thông gây ra phần lớn là do sử dụng rượu, bia rồi lái xe” - bác sĩ Kim Phúc Thành nói.

Không chỉ số ca tai nạn giao thông do rượu bia giảm mà các ca ngộ độc rượu cũng giảm so với trước. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện khu vực Thủ Đức, TPHCM) cho biết, tuần qua, bệnh viện không tiếp nhận thêm bệnh nhân ngộ độc rượu. Việc này đã cho thấy những tác động tích cực sau khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và những quy định mới về xử phạt theo Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.

Chia sẻ về tác hại của việc lái xe khi đã uống rượu bia, ThS.BS Trần Thị Ngự Uyển - Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) nhận định, rượu bia khi ngấm vào cơ thể sẽ gây ra hàng loạt các nguy hiểm không thể lường trước, không những ảnh hưởng tới chính bản thân mà còn tác động đến những người xung quanh.

Trong đó, uống rượu bia sẽ làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn ngôn ngữ, làm giảm khả năng làm việc, giảm khả năng điều hành phương tiện lái xe khi tham gia giao thông.

Sau quy định phạt nặng lái xe uống rượu bia, nhà hàng, quán nhậu phố Tây Bùi Viện (Quận 1,TPHCM) vắng hoe. Ảnh: Anh Nhàn

Không chỉ riêng ở TPHCM, trước đó như Báo Lao Động đã đưa tin, mà tại Hà Nội, một tuần sau khi Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống, lượng bệnh nhân nhập viện do rượu bia cũng giảm hẳn.

Bác sĩ Vũ Xuân Hùng - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) cho biết: "Nếu bình thường 1 ngày cấp cứu khoảng 100-120 bệnh nhân, trong đó khoảng 30% có liên quan tai nạn giao thông thì gần đây con số chỉ còn một nửa và liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%".

Theo bác sĩ Vũ Xuân Hùng, điều đặc biệt, trong một tuần qua, viện không tiếp nhận bất kỳ bệnh nhân tai nạn giao thông nào do rượu bia gây ra. Không những vậy, thông tin từ bác sĩ Lê Văn Dẫn - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho hay, chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào ngộ độc trong một tuần qua. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn