MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phẫu thuật 2 bé sơ sinh dính liền gan: "Có người bảo mổ sớm quá"

Đình Trường - Anh Tú LDO | 02/10/2019 19:59
Trong buổi thông tin báo chí tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10, TP. Hồ Chí Minh), trả lời câu hỏi của phóng viên Lao Động, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết đã phải "làm" tâm lý rất nhiều với gia đình hai cháu bé, mới có thể đi tới quyết định thực hiện ca mổ.

This browser does not support the video element.

 

Chiều ngày 2.10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức thông tin báo chí sau khi thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời hai bé sơ sinh dính liền nhau phần bụng. 

Hai bé gái mới 1,5 tháng tuổi, nặng 7,9 kg được chẩn đoán dính nhau phần gan trái, đồng thời một nhánh tĩnh mạch lớn thông nhau giữa hai cơ thể. Là  lần thứ 10 tiến hành tách các ca sơ sinh dính liền nhau nhưng đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. 

Hai bé sơ sinh dính liền nhau phần bụng

Vài giờ sau khi ca mổ kết thúc thành công, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tổ chức buổi thông tin báo chí. Ths.BS Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện vui mừng cho biết: "Đến 12h hôm nay, ca mổ đã kết thúc và chuyển sang giai đoạn hồi sức sau mổ. Kíp mổ đã hoàn thành sớm hơn so với dự kiến 1 tiếng rưỡi. Hiện tại, sức khoẻ 2 cháu bé theo các chỉ số theo dõi là hoàn toàn bình thường".

"Diễn tiến ca mổ đều nằm trong tính toán của chúng tôi, từ việc gây mê, cắt gan, kiểm soát mạch máu đều đúng như chẩn đoán ban đầu. Lượng máu chảy không quá 5cc máu ở cả hai bé. Thành bụng cũng đã được khâu lại toàn bộ" - bác sĩ Hiếu nói. 

Trao đổi thêm với các phóng vien, Phó Giám đốc bệnh viện cũng cho biết: "Việc thực hiện cắt gan trong sơ sinh là rất hạn chế, bởi gan rất dễ vỡ và chảy máu. Đã có ý kiến bảo sao chúng tôi mổ sớm quá, sao không để thêm 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm rồi mới phẫu thuật. Nhưng cho tới lúc này, với tất cả trang thiết bị, nhân sự và kinh nghiệm của Bệnh viện Nhi Đồng 1, tôi cho rằng không có bất cứ lý do nào để trì hoãn ca mổ này".

Êkip thực hiện ca mổ đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 1 tiếng rưỡi.

Theo bác sĩ Hiếu, nếu kéo dài thêm thời gian thực hiện phẫu thuật sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như tâm lý của người nhà hai cháu bé. 

Tuy nhiên, vị bác sĩ cũng cho biết, khoảng thời gian từ 24-48 giờ sau mổ mới là quãng thời gian quan trọng, bởi đây là thời điểm theo dõi quá trình phục hồi của gan. Ít nhất sau thời điểm này mới có thể khẳng định các chức năng của cơ thể đã hoạt động bình thường.

Các y tá đang chăm sóc cho 2 bé

Theo các bác sĩ có mặt tại buổi chia sẻ chiều nay, thành công của ca mổ là bởi sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên trong êkip thực hiện, của quá trình tiền sản và chẩn đoán lâm sàng. Việc theo dõi và lên kế hoạch phẫu thuật đã được thực hiện từ khi hai cháu bé còn trong bụng mẹ.

"Ngay sau khi ca mổ kết thúc, tôi có gọi ngay cho các đồng nghiệp bên Bệnh viện Từ Dũ. Họ cảm thấy rất vui mừng. Những chẩn đoán và dự định cách đây 2 tháng đã thành hiện thực" - bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết.

Sức khoẻ của 2 cháu bé sau ca phẫu thuật đều ổn định

Trả lời phóng viên Lao Động, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, với riêng ca mổ này, việc làm công tác tâm lý với người nhà bệnh nhân là cực kỳ quan trọng và việc tiên quyết phải làm. "Nếu không có sự đồng thuận của người nhà bệnh nhân, ca phẫu thuật kỳ diệu này đã không thể diễn ra" - vị bác sĩ nói.

Trước đó, theo thông tin từ bệnh viện, 2 bé được phát hiện dính nhau từ trong bụng mẹ, được sinh tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó vào giữa tháng 8.2019, hai bé được chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh chăm sóc và theo dõi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn