MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một ca phẫu thuật ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà

Phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng cho bệnh nhân 93 tuổi

Lệ Hà LDO | 23/07/2020 11:52

Bệnh nhân An Thị T (93 tuổi) ở huyện Thanh Miện, Hải Dương vừa được các bác sĩ Khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K) phẫu thuật Nội soi 3D thành công điều trị ung thư trực tràng. Với kỹ thuật ngoại khoa và gây mê hồi sức tiên tiến, việc phẫu thuật điều trị ung thư cho bệnh nhân tuổi cao không còn nhiều thách thức với các bác sĩ.

Nhiều năm nay, cụ An Thị T đã tức bụng, khó chịu vùng bụng, đi ngoài ra máu những cứ nghĩ là dấu hiệu bệnh trĩ nên không tới cơ sở y tế thăm khám. Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng, chán ăn, hiện tượng đi ngoài ra máu không thuyên giảm thì cụ mới đi kiểm tra. 

TS Phạm Văn Bình - Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K) cho biết, bệnh nhân T có tiền sử đi ngoài ra máu nhiều năm. Các bác sĩ đã chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân T bị ung thư trực tràng.

“Mặc dù bệnh nhân tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá tổn thương tại chỗ, chưa di căn, thể trạng bệnh nhân bảo đảm và sự quyết tâm của bệnh nhân cũng như đội ngũ bác sĩ, chúng tôi cho rằng hoàn toàn phẫu thuật thành công cắt bỏ tổn thương”, BS Bình cho hay.

Với bệnh nhân tuổi cao hơn 90, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ 3-4 giờ, tình trạng mất máu.

Kíp phẫu thuật đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ để chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật.

Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi 3D cắt cụt trực tràng, ống hậu môn ngả bụng tầng sinh môn, nạo vét hạch cho cụ T. Hiện nay, bệnh nhân hồi phục tốt và đã ra viện sau 7 ngày điều trị.

Cũng theo TS Phạm Văn Bình, nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị.

Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp đặc biệt ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày đang có xu hướng tăng lên.

Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A… và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.

“Những nguời có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời. Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao, thậm chí trên 90 như trường hợp vừa nêu ở trên, vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh bệnh tốt nhất”, TS Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn