MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Về cách sơ cứu, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn ói và tiêu chảy. Ảnh: Thanh Chân

Phòng ngừa và sơ cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn ở trẻ dịp Tết

Thanh Chân LDO | 02/02/2022 08:00

Những thực phẩm ngày Tết thường để dài ngày, chứa nhiều mỡ, đạm, dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Phụ huynh nên lưu ý cách sơ cứu và phòng ngừa ngộ độc thức ăn ở trẻ em.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), những ngày Tết, một số phụ huynh thường có khuynh hướng cho trẻ ăn uống theo chế độ ăn người lớn.

Thức ăn thường để dài ngày như thịt nguội, chả lụa, măng kho, thịt kho, bánh chưng, bánh tét,… Những thực phẩm này chứa nhiều mỡ, đạm, dễ dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.

Nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn ở trẻ em là do ăn phải thức ăn không hợp vệ sinh, ôi thiu, nhiễm vi khuẩn (salmonella) và độc tố do vi khuẩn tiết ra (tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí).

"Dấu hiệu nhận biết khi vài giờ sau khi ăn, trẻ xuất hiện dấu hiệu buồn nôn, nôn; đau bụng; tiêu chảy phân lỏng nhiều; sốt khi thức ăn bị nhiễm khuẩn" - bác sĩ Tiến thông tin. 

Về cách sơ cứu, phụ huynh cho trẻ uống nhiều nước (nước chín, nước ORS,…) để tránh mất nước do nôn ói và tiêu chảy.  Đưa đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu mất nước như mắt trũng, khát, tay chân lạnh hoặc sốt cao, nôn ói, tiêu chảy nhiều. 

Để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn ở trẻ, bác sĩ Tiến khuyến cáo không dùng thực phẩm đã quá ngày sử dụng. Rửa tay sạch trước khi nấu ăn, tay có vết nhiễm trùng không nên làm thức ăn. 

Chuẩn bị thức ăn đúng cách, rửa thật sạch các thực phẩm trước khi nấu nướng. Các loại thịt ướp lạnh phải để cho tan đá hoàn toàn trước khi nấu nướng. 

Cùng với đó, ăn các thức ăn vừa nấu chín, không bị ôi thiu. Bảo quản thức ăn bằng cách đậy kín, tránh ruồi, gián. Cho trẻ ăn uống theo chế độ ăn thông thường như lúc trước Tết. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn