MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có nên coi mại dâm là một nghề?

Quản lý mại dâm chỉ hô hào khẩu hiệu là không xong

L.Hà LDO | 09/04/2018 16:52
Vấn đề mại dâm trở nên nóng khi Bộ LĐTB&XH xin ý kiến xây dựng pháp luật mại dâm. Quan điểm coi mại dâm là một nghề hay không vẫn có những xu hướng trái chiều nhau.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên Khoa Xã hội học – Học viện Báo chí và tuyên truyền, vấn đề “có nên coi mại dâm là một nghề?” hay “hợp pháp hóa cho phép mại dâm tồn tại” đã được đặt ra từ cách đây hơn 20 năm và được nhắc lại khá thường xuyên trong mấy năm gần đây. Nhiều năm qua, chúng ta vẫn kiên trì cách tiếp cận coi mại dâm là tệ nạn xã hội.

“Nếu coi mại dâm là một nghề thì phải có đào tạo, có mã ngành, có trả lương, có chương trình đào tạo, nghỉ hưu... Trong điều kiện hiện tại nên quản lý mại dâm trên tinh thần đảm bảo về sức khỏe y tế, bệnh tật và mua bán người. Tôi không nghĩ xem mại dâm là nghề thì sẽ hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh bày tỏ quan điểm.

Cũng theo bà Minh, nếu công nhận mại dâm là một nghề sẽ có nhiều thách thức mà tôi nghĩ không đơn giản chỉ là công nhận. Hiện tượng mại dâm là có thật, nó tồn tại trong đời sống dù ta có muốn hay không (nhất là khi mô hình gia đình 1 vợ 1 chồng cùng tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại phổ biến).

Vấn đề đặt ra là làm sao để hạn chế những tiêu cực mà hiện tượng ấy gây ra với người trong cuộc cũng như xã hội (người bán dâm bị kỳ thị, nhất là mại dâm nữ; tình trạng bạo lực, bóc lột tình dục, trở thành nạn nhân của mua bán người, mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nếu không kiểm soát tốt,...). Với người bán dâm, người mua dâm cũng dễ lây nhiễm hoặc bị lây nhiễm từ người bán dâm, trở thành nạn nhân trong các vụ cướp do mại dâm trá hình...

Còn theo TS  Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội chấp nhận để mại dâm tồn tại như một dịch vụ, nhưng phải có cách quản lý. Hiện nay cách quản lý mại dâm là đi kiểm tra, dẹp các tụ điểm mua bán dâm… là không hiệu quả. Điều này cho thấy, tình trạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

“Nhìn nhận mại dâm cần thực tế hơn, không phải chỉ hô khẩu hiệu xóa bỏ là xong. Liên Hợp Quốc đang khuyến khích cách tiếp cận phi hình sự hóa mại dâm. Nghĩa là việc mua bán dâm trên cơ sở tự nguyện, có thỏa thuận, phi bạo lực, an toàn về sức khỏe. Người bán dâm phải được pháp luật bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột, lừa đảo và được tiếp cận các dịch vụ sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác một cách bình đẳng. Còn những hành vi như bóc lột, buôn bán người vì mục đích mại dâm, dắt mối, môi giới, lừa đảo, bạo hành với người bán dâm phải bị xử lý về mặt hình sự”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.

TS Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, sự tồn tại của một nghề hay một dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu xã hội. Nếu xã hội không có nhu cầu nữa thì nó tự mất đi. Nếu coi mại dâm là một nghề cần lựa chọn khu vực để khu trú hoạt động mại dâm là vấn đề rất quan trọng.

Ở một số nước, quy định phố “đèn đỏ” không được gần khu cư, trường học, điểm vui chơi giải trí trong khoảng bao nhiêu cây số. Nếu chúng ta có dự định này thì phải nghiên cứu rất kỹ, nhưng chắc chắn không thể gần khu dân cư, trường học, khu vui chơi giải trí, cơ quan hành chính nhà nước. Và một điều chắc chắn, khu vực đèn đỏ không được làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng và trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn