MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Quang Mẫn (chồng sản phụ) yêu cầu làm rõ vụ việc. Ảnh: TH.

Quảng Trị: Gia đình sản phụ yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh

HƯNG THƠ LDO | 04/11/2017 19:45
Đau xót khi đứa con vừa chào đời tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tử vong, anh Nguyễn Quang Mẫn (SN 1986) chồng của sản phụ Võ Thị Thùy Dương (SN 1989, trú tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) yêu cầu được làm rõ vụ việc. 

Anh Mẫn cho biết, 7h ngày 3.11, chị Dương vào BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị vì có dấu hiệu trở dạ. Sau khi thăm khám, 9h cùng ngày, chị Dương được đưa về Khoa Sản tiến hành siêu âm và cho kết quả thai nhi nặng 3,3kg, là bé gái. 

Đến 14h chiều cùng ngày, bác sĩ thăm khám lại, cho biết sức khỏe của thai nhi bình thường, 1h sau đó, chị Dương được chuyển vào phòng sinh nhưng vẫn ngồi ở ghế. Đến 16h, chị Dương kêu đau mới được đưa lên bàn sinh, rồi chuyển về phòng cấp cứu.

17h30, kíp trực thực hiện phẫu thuật rồi đưa trẻ sơ sinh vào lồng kính, nhưng sau đó gia đình nhận được thông báo là trẻ đã tử vong.

“Vợ tôi ngồi chờ ở ghế trong phòng sinh gần 1h30, khi kêu đau quá bác sĩ mới cho lên bàn để sinh, sau đó chuyển đi mổ cấp cứu thì xảy ra sự việc” – anh Mẫn, nói. Bác sĩ giải thích với gia đình là do thai nhi bị sa dây rốn, chèn vào đầu nên bị ngạt. “Vậy nếu thời gian chờ ở trong phòng sinh được rút ngắn thì con tôi có bị ngạt không?” – anh Mẫn đặt câu hỏi và đề nghị được làm rõ.

Trao đổi về vụ việc này, ông Trương Xuân Nhuận - Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay: Bệnh lý sa dây rốn dẫn đến ngạt của trường hợp trên có tỉ lệ 1/300 trẻ ra đời. Việc sản phụ ở trong phòng đẻ càng lâu càng tốt, khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ thì cho vào. Ở ca này sản phụ ngồi chỏm, diễn biến bình thường, đến cuối thì mới bị sa dây rốn và nữ hộ sinh đã siêu âm, phát hiện ra. Khi đó thai còn sống, tim thai còn đập thì chuyển mổ cấp cứu.

Ông Nhuận đánh giá, khi phát hiện việc sa dây rốn, động tác bác sĩ làm đúng quy trình, là đưa tay vào ngôi thai, đỡ lên cho cuống thai không bị chẹt; và ngồi trên xe từ phòng đẻ cho đến phòng mổ để làm động tác đó, nhưng do ngạt nặng, biến chứng ngoài mong muốn nên mới như vậy.

Liên quan đến thắc mắc của người nhà về việc thời gian trong phòng sinh quá lâu, ông Nhuận nói: “Việc trẻ bị sa dây rốn không gây đau đớn cho sản phụ, sản phụ đau là chuyển dạ. Ban đầu chỉ định sinh bình thường, nhưng khi nữ hộ sinh phát hiện ra việc sa dây rốn là chuyển sang mổ ngay. Thông thường, từ lúc chuyển dạ, cổ tử cung thực sự mở đến lúc sinh là 15h đồng hồ. Vì vậy phải vào phòng đẻ để theo dõi. Và ca này diễn biến bình thường và không có ý định mổ, đến khi phát hiện sa dây rốn mới mổ ngay” – bác sĩ Nhuận nói thêm.

Cũng theo vị này, trước yêu cầu của gia đình sản phụ, đơn vị sẽ tổ chức họp Khoa và làm trường trình đầy đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn