MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho cháu nhỏ bị chó cắn gây thương tích nặng. Ảnh: BVCC

Ra Tết số ca bị chó cắn gia tăng

Hà Lê LDO | 20/02/2024 18:00

Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 100 người chết vì bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không tiêm phòng vaccine khi bị chó, mèo cắn và do tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt thấp.

Năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người tử vong do bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm trước. Cùng với đó, có tới có gần 500.000 người sau khi bị chó mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại với chi phí khoảng 600 tỉ đồng. Trong khi đó, bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu không có tình trạng chó bị thả rông, không rọ mõm và đàn chó mèo không được tiêm phòng đầy đủ.

Ra Tết, số ca bị chó cắn gia tăng. Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 - 70.000 người và hàng triệu loài động vật.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng. Các vụ tử vong do bệnh dại cảnh tỉnh về tình trạng thiếu kiểm soát việc chó, mèo thả rông và tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo thấp.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh dại gia tăng là tỉ lệ tiêm phòng cho chó mèo còn thấp. Tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi tỉ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%. Hiện chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết thương, lượng virus dại đưa vào cơ thể và vị trí cắn xa hay gần hệ thần kinh trung ương, mà thời gian ủ bệnh và cần được theo dõi khác nhau ở mỗi người. Thông thường, thời gian ủ bệnh dại rơi vào khoảng 2 đến 8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày, dài thì có thể lên đến 1 – 2 năm. Do đó, người bệnh cần được theo dõi tích cực trong vòng 15 ngày đầu sau khi bị chó mèo cắn, cào, liếm (trên vết thương hở).

Đối với những vết thương nặng, gần hệ thần kinh trung ương như vùng đầu – mặt – cổ, bệnh nhân cần được nhanh chóng tới bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, dù vị trí cắn có nghiêm trọng hay chỉ trầy xước nhẹ, có xa hay gần hệ thần kinh trung ương thì người bệnh cũng cần được đến bệnh viện để vệ sinh vết thương và dự phòng phơi nhiễm virus dại bằng vaccine.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn