MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Nhật Minh

Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ bị biến chứng hoặc tử vong do suy tim

Lan Phương (theo CNN) LDO | 19/11/2023 18:00

Mất ngủ và ngưng thở khi ngủ là hai hội chứng thường gặp ở những người mắc bệnh suy tim. Rối loạn giấc ngủ làm tăng nguy cơ bị biến chứng hoặc tử vong do suy tim. Vì vậy, người bệnh cần điều trị đồng thời suy tim và rối loạn giấc ngủ để bảo vệ sức khỏe của mình.

Tim có vai trò bơm máu giàu ôxy và chất dinh dưỡng tới các cơ quan, tế bào và mô để duy trì hoạt động sống cho cơ thể. Khi suy tim xảy ra, khả năng bơm máu của tim giảm, dẫn đến tình trạng thiếu máu và ôxy. Những người mắc bệnh suy tim dễ bị khó thở và mệt mỏi và vấn đề này liên kết với chứng rối loạn giấc ngủ.

Cứ 3 người bị suy tim thì có 1 người bị mất ngủ. Các triệu chứng của suy tim như khó thở, đau tức ngực khiến người bệnh ngủ khó khăn. Chất lượng giấc ngủ kém có thể là tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim hoặc xuất phát từ sự căng thẳng của người bệnh khi phải sống chung với căn bệnh mãn tính.

Ngưng thở khi ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh suy tim, với các biểu hiện như ngáy to hoặc thở khò khè, hổn hển. Điều này có thể xảy ra do tắc nghẽn đường hô hấp trên hoặc do não không gửi tín hiệu đến cơ kiểm soát hơi thở.

Khó ngủ vào ban đêm khiến người bệnh cảm thấy uể oải vào ngày hôm sau và gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe. Rối loạn giấc ngủ cũng làm tăng nguy cơ bị biến chứng hoặc tử vong vì suy tim.

Phương pháp điều trị

Nếu gặp các triệu chứng như thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm hoặc ngưng thở khi ngủ, bạn cần đi khám để thực hiện đo đa ký giấc ngủ (xét nghiệm ghi lại hoạt động của cơ thể trong khi ngủ). Nếu phát hiện vấn đề, bạn sẽ cần sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để điều hòa nhịp thở khi ngủ. CPAP giúp giữ đường thở mở thông suốt qua một ống nối với mặt nạ, nhẹ nhàng đẩy không khí vào mặt sau của cổ họng. Phương pháp này không chỉ điều trị chứng ngưng thở khi ngủ mà còn cải thiện khả năng bơm máu của tim.

Đối với bệnh suy tim, bạn cần điều trị đúng cách. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc lợi tiểu, tập thể dục hoặc máy điều hòa nhịp tim cũng có thể cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh việc điều trị chuyên sâu, bạn có thể thực hiện các phương pháp sau để ngủ tốt hơn:

1. Giữ giờ ngủ nhất quán, thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

2. Tạo môi trường ngủ yên tĩnh, mát mẻ, thoải mái.

3. Hạn chế nạp caffeine và rượu, đặc biệt là trước khi đi ngủ.

4. Thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hoặc yoga trước khi đi ngủ.

5. Tập thể dục đều đặn để cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn