MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rối loạn nhịp tim hoặc đã thay van tim có tiêm vaccine COVID-19 được không?

AN AN LDO | 11/08/2021 09:25

Theo bác sĩ Bùi Văn Thường - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, không có biến chứng nào được ghi nhận là tiêm vaccine COVID-19 ảnh hưởng lên van tim nhân tạo sinh học/cơ học, stent động mạch vành cũng như các thiết bị cấy ghép khác.

Liên quan đến những người có bệnh lý về tim mạch có thể tiêm vaccine COVID-19 hay không, bác sĩ Bùi Văn Thường - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai đã giải đáp những câu hỏi được quan tâm.

Bạn đọc hỏi: Các bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim, đặt stent động mạch vành, cấy các thiết bị cấy ghép tim có tiêm vaccine COVID-19 được hay không?

- Bác sĩ Bùi Văn Thường trả lời: Không có biến chứng nào được ghi nhận là vaccine COVID-19 ảnh hưởng lên van tim nhân tạo sinh học/cơ học, stent động mạch vành cũng như các thiết bị cấy ghép khác. Bệnh nhân sau mổ thay van tim nhân tạo, đặt stent động mạch vành, cấy máy tạo nhịp tim… có thể tiêm vaccine COVID-19 an toàn. Hãy nói cho bác sỹ biết về các thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu bạn đang dùng.

Bạn đọc hỏi: Tôi uống thuốc ức chế miễn dịch do ghép tim. Thuốc ức chế miễn dịch có thể xung đột với vaccine COVID-19 không?

- Bác sĩ Bùi Văn Thường trả lời: Các vaccine hiện được chấp thuận sử dụng không chứa virus sống, do đó, không có nguy cơ gây nhiễm trùng cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, kể cả những bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên khi sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch có thể làm giảm tác dụng của vaccine. Hãy nói cho bác sỹ biết về các thuốc bạn đang sử dụng trước khi tiêm vaccine.

Bạn đọc hỏi: Các bệnh nhân có rối loạn nhịp tim như rung nhĩ/nhịp nhanh xoang/ngoại tâm thu thất có tiêm vaccine COVID-19 được hay không?

- Bác sĩ Bùi Văn Thường trả lời: Không có chống chỉ định tiêm vắc xin ở các nhóm đối tượng này. Tuy nhiên trước bệnh nhân lần đầu tiên được chẩn đoán rối loạn nhịp như rung nhĩ/ngoại tâm thu thất/ nhịp nhanh xoang, điều quan trọng là bác sỹ cần xác định liệu bệnh nhân có đang mắc tình trạng cấp tính khác hay không như hội chứng vành cấp, suy tim tiến triển, cường giáp…

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp tim và hiện tại đang điều trị ổn định thì có thể tiêm vaccine an toàn tuy nhiên cần theo dõi sát ở các cơ y tế. Có một số báo cáo về biến cố tắc mạch sau khi tiêm vaccine tuy nhiên tỉ lệ này là rất thấp. Các bệnh nhân rung nhĩ có chỉ định dùng thuốc chống đông cần được dùng thuốc chống đông đầy đủ trước khi tiêm vaccine.

Nhịp nhanh xoang rất thường gặp khi khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, hầu hết liên quan đến vấn đề tâm lý lo lắng, căng thẳng. Bác sỹ cần khai thác các triệu chứng khác kèm theo, nếu tất cả đều bình thường, có thể tiêm chủng an toàn. Tuy nhiên nhịp tim nhanh có thể làm che giấu đi một số triệu chứng liên quan đến các phản ứng sau khi tiêm, đặc biệt là phản ứng phản vệ.

Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp, Báo Lao Động sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài hoặc vui lòng gửi về địa chỉ email: live@laodong.vn.

Các câu hỏi sẽ được Báo Lao Động cập nhật những nguồn tin uy tín hoặc chuyển đến các chuyên gia, các cơ quan chức năng để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn