MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nối mi đẹp chưa thấy đã thấy phiền hà

Rụng, mẩn ngứa bờ mi vì làm đẹp

L.Hà LDO | 03/03/2018 07:00

Để có đôi mắt long lanh, vào dịp Tết, nhiều chị em rủ nhau đi nối mi. Tuy vậy sau đó, không ít chị em đã có biểu hiện ngứa bờ mi, rụng mi. "Thủ phạm" được chỉ ra là do keo nối mi.

Dứt ra không được, để không xong

Trước Tết 2 ngày, chị Nguyễn Thu Hằng (B4, khu tập thể Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến một cửa hàng làm móng và mi gần nhà làm đẹp. Sau khi làm xong bộ móng tay, chị Hằng cao hứng nối mi. Đây là lần đầu tiên chị Hằng thực hiện dịch vụ này. 45 phút nằm nối mi, chị Hằng có một đôi mi cong vút, dày khá đẹp. 

"Đẹp đâu chưa thấy, ngày hôm sau bờ mi tôi ngứa kinh khủng. Tôi chỉ muốn gãi rồi nhổ hết ra mà không được. Cuối cùng, tôi phải lấy nhíp nhổ từng cái mi nối ra khiến chảy nước mắt và đau. Hậu quả, mi nối lấy được ra nhưng mi thật cũng bay theo...", chị Hằng kể lại.

 Mi rụng cả tảng sau khi nối

Trước đó, một tài khoản facebook đã đăng tải hình ảnh lông mi bị rụng sạch sẽ của một người phụ nữ. Hàng mi vừa dày, vừa dài này ‘gây hại' cho chủ nhân của nó khi mi thật của cô gái gần như bị rụng hết.

Truy tìm "thủ phạm" 

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này được cho là do cơ sở đã sử dụng một loại hoá chất độc hại để nối mi cho khách. 

Quá trình làm mi được diễn ra khá đơn giản: Nhân viên dùng 1 chiếc khăn giấy ướt đặt dưới mí mắt khách hàng, sau đó dùng tăm bông thấm chất lỏng có mùi hắc trong lọ thuỷ tinh, bôi lên mi mắt rồi nối từng chiếc lông. 

Trong quá trình nối, người nối sẽ dùng keo chuyên dụng để dán mi giả đè lên phần chân mi thật, chính lớp keo này khiến những sợi mi thật không được nuôi dưỡng bởi mạch máu ở phần da mi nên phát triển chậm và yếu dần, khi bóc mi giả sẽ khiến chúng bị bong ra và rụng sạch.

Dung dịch có mùi hắc, khét khiến khách hàng khi nhắm hờ mắt có cảm giác cay xè mắt. Dù vậy, nhân viên các cơ sở làm đẹp đều khẳng định chất làm mi đảm bảo. Sau khi làm xong khách hàng có thể rửa mặt bình thường, mùi hắc sẽ hết ngay, cảm giác cay cay trong mắt cũng tan biến.

Theo quan sát, trên bao bì lọ hóa chất dùng nối mi không có bất cứ dòng chữ tiếng Việt nào thể hiện nguồn gốc xuất xứ, thành phần cấu tạo cũng như hạn sử dụng của sản phẩm. Khách hàng hoàn toàn không biết cửa hàng này đã bôi loại hoá chất gì lên mắt mình. Và hậu quả do hoá chất độc hại này gây ra như thế nào chắc “chỉ có trời mới biết”.

Còn trên thị trường, hiện có rất nhiều các sản phẩm quảng cáo nối mi như keo nối mi cao cấp K-GLu A1 Hàn Quốc, keo nối mi cao cấp Lady Glue, keo nối mi cao cấp mắt vàng, keo nối mi cao cấp nhập khẩu chính hãng Geisa, keo nối mi cao cấp Pigment... cùng những loại không nhãn mác, nguồn gốc khác nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn