MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rượu nấu tại nhà sẽ bị "siết"

Rượu tự nấu hết thời tung hoành

L.Hà LDO | 20/09/2017 13:04
Từ ngày 11.1 tới, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thói quen sử dụng rượu nấu đã ăn sâu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Theo Nghị định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhìn vào thực tế rượu là sản phẩm mang tính văn hoá đặc trưng, gắn liền với một vùng miền và trở thành thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ hội, cúng kiếng hay những lễ nghi giao tiếp. Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu diễn ra hàng ngày dễ dàng. 

Rượu không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không thành phần chiết xuất (rượu 3 không) vẫn được bày bán khắp nơi, trong khi tình hình ngộ độc rượu chứa methanol gần đây tăng đột biến. Nhiều quán cơm, tiệm tạp hóa hay các quán cóc ven đường đều có bán rượu trôi nổi. Phổ biến nhất là loại rượu trắng không nhãn mác được gọi với tên "rượu quê" có giá bán buôn tại Hà Nội chỉ khoảng 10.000 đồng/lít rượu sắn (mì), 15.000 đồng/lít rượu gạo...

Hệ quả của việc này là số ca ngộ độc rượu, tử vong vì rượu ngày càng tăng. Theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Trong thời gian gần đây, tình hình ngộ độc methanol có xu hướng gia tăng. Bên cạnh nguyên nhân do người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn có những trường hợp uống cồn y tế pha thay rượu (do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn). 

Xử phạt nấu rượu tự nấu tại nhà liệu có “chết yểu”?

Quy định này liệu có khó khả thi khi mà việc nấu, buôn bán, kinh doanh rượu đã hình thành từ nhiều đời nay.

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – cho rằng: Việc xử phạt có khả thi nếu làm quyết liệt và đồng bộ, đặc biệt là các cấp.

Cũng theo TS Quang, nếu không quản lý được rượu thì việc sản xuất, mua bán, sử dụng sẽ tiếp tục tràn lan, không quản lý được, đặc biệt là chất lượng. Đồng nghĩa với việc này là gia tăng số người sử dụng rượu không đảm bảo chất lượng và ngộ độc. Thời gian đầu, việc xử phạt sẽ gặp khó khăn nhưng nếu không xử phạt được tất cả thì xử được trường hợp nào cũng thể hiện tính răn đe, giáo dục, nghiêm minh.

Theo luật sư Đoàn Trọng Bằng, đoàn luật sư Hà Nội: Về nguyên tắc, cơ sở sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, muốn thực hiện được thì bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các các cấp, các ngành. Việc xử phạt các cơ sở nấu rượu tại nhà nếu không thực hiện mạnh khó hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn