MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh sán lá gan chui ra từ ống dẫn lưu đường mật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sán lá gan - bệnh từ miệng khiến hơn 1 triệu người Việt mắc

hà lê LDO | 26/05/2024 17:23

Bệnh sán lá gan là một trong những gánh nặng lớn trong nhóm bệnh lý về ký sinh trùng tại Việt Nam. Bệnh sán lá gan thường gặp ở những người có thói quen ăn gỏi cá sống hoặc rau thủy sinh…

BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh sán lá gan thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính hơn một triệu người nhiễm bệnh.

Bệnh sán lá gan nhỏ truyền qua cá. Người nhiễm do ăn cá sống có ấu trùng sán. Khi người ăn phải ấu trùng sán lá gan nhỏ, chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.

Trong khi đó, bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh thành trong cả nước, trong những năm gần đây ghi nhận khoảng 10-15 nghìn ca bệnh/năm. Sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau. Bệnh gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gặp sán lá gan lớn lạc chỗ gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh.

Để phòng ngừa căn bệnh này theo BS Thọ rất đơn giản, yếu tố đầu tiên là chỉ cần thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Tuy nhiên, BS Thọ Dũng cho hay, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó khăn với mọi người vì hầu hết họ ý thức được nhưng không dễ từ bỏ món ăn khoái khẩu dễ đưa miệng như nem chua, nem chạo...

BS Thọ cho biết thêm, nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán chủ yếu do ăn uống không bảo đảm vệ sinh, nhất là thói quen ăn đồ tái sống, chưa chín như tiết canh, nem chạo, thịt tái, rau thủy sinh... Nhiều người cho rằng khi ăn đồ sống, chỉ cần tẩy giun định kỳ sẽ có thể phòng các loại ký sinh trùng, sán lá gan, sán lá phổi hay sán heo. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Tẩy giun định kỳ chỉ có tác dụng tẩy các loại giun thông thường như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim chứ không có tác dụng với các loại sán. Thực tế, cách duy nhất có thể tiêu diệt sán và các loại ký sinh trùng là nấu chín thực phẩm.

Tốt nhất, bạn nên tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn