MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau đợt dịch sởi ở ĐBSCL: Cần làm gì để phòng ngừa dịch sởi cho trẻ nhỏ?

Bảo Trung LDO | 13/08/2019 11:14
Bệnh sởi là bệnh thường gặp đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều bậc làm cha, mẹ chủ quan xem thường căn bệnh này…

Vẫn còn đó tâm lý chủ quan

BS Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: Sau đợt dịch sởi mới bùng phát cách đây không lâu ở một số tỉnh thành khu vực ĐBSCL, thực tế chỉ ra rằng vẫn còn đó tâm lý chủ quan của khá nhiều cha, mẹ. Họ vẫn còn xem thường bệnh sởi, không chủ động phòng bệnh, chỉ đến khi con của mình xuất hiện hàng loạt triệu chứng mới đem con đến các cơ sở khám chữa bệnh.

Một số ca nhập viện khi bệnh đã biến chuyển khá nặng dẫn đến việc điều trị khá khó khăn. Đơn cử, khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt, chảy nước mũi... thường chủ quan và phải đợi khi các cháu có dấu hiệu phát ban sởi đặc trưng (sau đó 2, 3 ngày) mới đem con đi khám.

Rất nhiều bậc cha, mẹ chỉ khi thấy bệnh của con trở nặng mới chịu đem con đi khám. Ảnh: Bảo Trung

Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 600 ca mắc bệnh sởi, đa phần là các trẻ dưới 5 tuổi, sức đề kháng còn non nớt và bệnh đã biến chuyển khá nặng và mất khá nhiều thời gian để điều trị dứt điểm.

Trao đổi với PV báo Lao Động, Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - cho biết: Đợt dịch sởi vừa rồi, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca mắc bệnh nặng, các ca nhập viện đa phần đến từ TP.Cần Thơ và một số tỉnh thành lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long... Chỉ đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 số lượng trẻ mắc bệnh sởi đến điều trị tại đơn vị chúng tôi mới thuyên giảm. 

Cần chủ động phòng bệnh từ xa

Một số người có tâm lý chủ quan với bệnh sởi, nhưng đây là suy nghĩ rất đáng ngại. Khi bệnh trở nặng có thể khiến trẻ em có nhiều biến chứng đi kèm như viêm phổi, tiêu chảy, tai mũi họng và dẫn đến viêm màng não, rất dễ dẫn đến tử vong. Ngoài ra bệnh còn làm trẻ mất sức đề kháng và có thể nhiễm một số loại bệnh khác, nhất là đối với những trẻ dưới 5 tuổi, BS. Dũng nhấn mạnh.

Cách chủ động phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh, mũi đầu tiên dành cho trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi và tiêm tiếp mũi thứ 2 sau khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Cha mẹ cần cho trẻ đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người để tránh nhiễm bệnh. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ. Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

Anh Lưu Nhật Hảo (ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) cho biết: Khi con tôi bắt đầu có dấu hiệu phát ban sởi, tôi mới phát hoảng và đưa cháu đến bệnh viện. Thực sự bản thân còn thiếu kỹ năng trong việc phòng bệnh cho cháu. Cháu bé chưa đầy 18 tháng tuổi nên việc điều trị gặp khá nhiều khó khăn. Hai vợ chồng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức để chăm cháu, công việc làm ăn phải bỏ dở.

Con nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện khiến nhiều phụ huynh tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc. Ảnh: Bảo Trung

"Hiện bệnh viện chúng tôi có khá nhiều ca mắc bệnh sởi đang điều trị nội trú. Những ca nhẹ thì mất vài ngày có thể xuất viện, tuy vậy những trẻ còn quá nhỏ nếu mắc bệnh phải mất thời gian khá lâu để điều trị, các phụ huynh phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, việc chủ động phòng dịch vẫn là biện pháp cần thiết", BS. Dũng thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn