MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giây phút chia tay xúc động của GS Nguyễn Anh Trí (Nguồn ảnh: BV)

Sau khi về hưu, GS Nguyễn Anh Trí sẽ làm gì?

T.Linh LDO | 05/10/2017 06:45

GS Nguyễn Anh Trí- Anh hùng Lao động, đại biểu Quốc hội khóa 14 vừa mới chính thức rời nhiệm sở, kết thúc nhiều năm tháng gắn bó với Viện Huyết học và Truyền máu TƯ. PV Lao Động đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Anh Trí về những dự định của ông sắp tới.

Nói về những giây phút được bạn bè, đồng nghiệp, học trò và bệnh nhân tiễn chân ngày về hưu như một "hiện tượng", GS Trí cho biết, ông vô cùng xúc động và tự hào, nhưng cũng không tránh được nỗi buồn rời xa nơi mà mình gắn bó nhiều năm. "Tôi năm nay tròn 60 tuổi, tôi về hưu theo quy định của nhà nước. Dù là ĐBQH, dù là GS, AHLĐ, gì thì gì tôi cũng là một công dân bình thường. Tôi phải gương mẫu, chấp hành quy định của nhà nước một cách thoải mái và vui vẻ"- ông Trí nói. 

GS Trí cho biết, dù về hưu, nhưng với cương vị Đại biểu Quốc hội, ông vẫn có nhiều cơ hội đóng góp và cống hiến. "Tôi là ĐBQH, tôi tự ứng cử, tôi có trách nhiệm, có suy nghĩ. Tôi không bồng bột khi tham gia ứng cử. Tôi sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng. Tôi nhận ra, làm một ĐBQH tròn vai là rất khó, phải giác ngộ trí tuệ, phải có thời gian. Đây là lúc tôi có cơ hội làm tròn vai của mình. Lâu nay mình đóng góp sức lực nhưng chưa đủ, phải làm quy củ. Tôi cũng xin hứa với nhân dân là sẽ làm tốt nhất vai trò ĐBQH của mình".

Tâm sự về những ấp ủ tiếp theo của mình sau ngày về hưu, GS Trí có khá nhiều dự định. "Ý tưởng thành lập BV Medlatec và dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà là do tôi đưa về. Hiện BV có 850 người làm việc. Họ cần có tôi, với vai trò như một người cố vấn có kinh nghiệm. Đây cũng chính là môi trường để tôi cống hiến, chăm sóc sức khỏe nhân dân"- ông nói. 

Theo GS Trí, chăm sóc cho Trung tâm di sản ở Hà Nội và công viên Di sản các nhà khoa học VN ở Hòa Bình cũng là việc mà ông cần làm. Công viên được thành lập từ ý tưởng ban đầu rất nhỏ bé của GS Trí: "Trước đây, tôi hay bị các thầy chê, góp ý. Tôi cầm những tờ góp ý đó, và tôi ứa nước mắt. Tôi nhớ từng nét bút, từng phong cách của các thầy cô. Làm sao để giữ được dấu tích này, nét bút này đến suốt cuộc đời? Tôi thành danh như thế này là nhờ những góp ý đó. Hơn nữa, tất cả các đóng góp của các nhà khoa học, hết sức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nó thôi thúc tôi thành lập trung tâm di sản. Công viên đó họ cũng rất cần tôi, vừa là người đưa ra ý tưởng, vừa với tư cách một nhà khoa học". 

Hiện GS Trí cũng đang tiếp tục thực hiện rất nhiều đề tài cấp nhà nước về tế bào gốc, hay bệnh thalassemia..., hướng dẫn bảo vệ nhiều luận án tiến sĩ. "Và cuối cùng, là tôi say mê thơ ca nhạc họa. Đây là cơ hội cho tôi dành thời gian chiêm nghiệm và sáng tác"- GS Trí tâm sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn