MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sau mưa lũ

Sau mưa lũ làm gì để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm từ môi trường?

TH LDO | 13/12/2018 12:57

Mưa to kéo dài tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên nên những địa phương này bị ngập lụt nghiêm trọng. Điều này làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm và bùng phát dịch bệnh tại các địa phương trên.

Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ứng phó với mưa lũ. Theo đó, các địa phương chủ động triển khai các phương án ứng phó về y tế và công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác.

 Đảm bảo vệ sinh nước sạch sau mưa lũ

Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực... sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Không để lẫn thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác; sử dụng riêng các dụng cụ và thiết bị nấu nướng như dao, thớt để chế biến thực phẩm sống; bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống, chín...

Đây cũng là thời điểm các dịch bệnh như tả, tiêu chảy dễ xảy ra nên người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Tại những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố không để lan rộng trong cộng đồng. Người bị ngộ độc, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị  các đơn vị cần hướng dẫn người dân ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn