MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sốc nhiệt và cách cấp cứu. Đồ hoạ: Hương Giang

Sau vụ 1 người tử vong khi đi theo ông Thích Minh Tuệ: Làm gì để tránh sốc nhiệt?

THS. BS PHAN LÊ HIẾU - BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ LDO | 01/06/2024 19:00

HUẾ - Một bệnh nhân tên L.T.S - người tự nguyện đi theo ông Thích Minh Tuệ - bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong. Chuyên gia ở Bệnh viện Trung ương Huế chỉ cách xử trí khi bị sốc nhiệt.

Cách nhận biết sốc nhiệt

Trong thời gian gần đây, do tình hình nắng nóng kéo dài nên Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận nhiều bệnh nhân liên quan đến vấn đề say nóng - say nắng (sốc nhiệt).

Mới đây nhất, vào ngày 30.5, một bệnh nhân tên L.T.S - người tự nguyện đi theo ông Thích Minh Tuệ - bị sốc nhiệt dẫn đến tử vong. Liên quan đến vấn đề trên, ThS. BS Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Huế hướng dẫn về cách xử trí cũng như cách phòng ngừa bị sốc nhiệt.

Để làm rõ biểu hiện đặc thù của say nắng và say nóng, chúng ta cần nắm khái niệm thế nào là say nóng và say nắng.

Say nóng là hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng cao do tác động của nhiệt độ môi trường xung quanh hoặc do hoạt động gắng sức gây ra các biến chứng hệ thần kinh Trung ương dẫn đến các rối loạn và mất kiểm soát.

Say nắng (sốc nhiệt) là nhiệt độ cơ thể tăng cao > 40 độ C và thường kèm theo mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa thân nhiệt mất kiểm soát dẫn đến rối loạn các hệ thống trong cơ thể như hô hấp là khó thở, ngưng thở, nói lắp, co giật, huyết áp tụt - kẹt, nôn mửa, tiêu chảy. Nguyên nhân là do tác động của nhiệt độ môi trường hoặc do hoạt động gắng sức. Say nóng không được xử trí có thể chuyển qua say nắng.

Các triệu chứng của say nóng được xem như là mức độ nhẹ của say nắng. Say nóng thường chỉ biểu hiện ở hệ thần kinh như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.

Khi tiến triển lên say nắng, bệnh nhân sẽ có triệu chứng lú lẫn, nói lắp, co giật và lúc này sẽ có biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Các bước sơ cứu người bị say nắng

Phát hiện người bị say nắng, chúng ta cần gọi hỗ trợ giúp đỡ từ những người xung quanh, đồng thời gọi xe cứu thương (gọi 115).

Di chuyển nạn nhân đến nơi râm mát, thoáng khí.

Nới lỏng nịt ngực, thắt lưng và cởi bỏ các lớp áo ngoài không cần thiết.

Kiểm tra nhiệt độ cơ thể cho nạn nhân (nếu không có ống nhiệt, ta có thể dùng tay để sờ vào trán, vào cổ bệnh nhân vì lúc này, nhiệt độ nạn nhân rất cao có thể cảm nhận bằng tay).

Tiến hành làm mát cho bệnh nhân mọi cách có thể như: Lau mát, xịt nước mát, chườm túi đá lạnh ở vùng cổ, nách, bẹn bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh thì cho uống nước bổ sung, nước điện giải nếu có.

Nếu nạn nhân tỉnh tiếp tục cho uống bổ sung nước và chất điện giải, nếu bệnh nhân chưa tỉnh tiếp tục làm.

Nếu bệnh nhân không có dấu hiệu hô hấp, tiến hành hô hấp nhân tạo, chờ xe cứu thương đến.

Chế độ sinh hoạt tránh sốc nhiệt

Tránh ra ngoài vào giờ nắng gắt: Nếu có thể, hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4h chiều khi ánh nắng mạnh nhất.

Trang phục phù hợp: Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng mát và có màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt. Đội mũ, nón rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ mắt.

Giữ mát cơ thể: Tắm mát thường xuyên và sử dụng quạt hoặc điều hòa để giảm nhiệt độ trong nhà. Nếu phải làm việc ngoài trời, hãy tìm chỗ râm mát nghỉ ngơi thường xuyên.

Ngủ đủ giấc: Đảm bảo giấc ngủ đủ và sâu để cơ thể có thể phục hồi năng lượng, nhất là khi thời tiết oi bức có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Chế độ ăn uống ngừa sốc nhiệt

Uống đủ nước: Uống ít nhất 2 - 3 lít nước mỗi ngày. Nên uống nước lọc, nước trái cây, hoặc nước có pha chút muối khoáng để bù điện giải. Tránh các loại nước có cồn và cà phê vì chúng làm mất nước.

Ăn nhiều rau quả: Rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại cái nóng. Những loại quả như dưa hấu, cam, bưởi, dưa chuột đều rất tốt.

Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ: Tránh các loại thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ vì chúng khó tiêu hóa và dễ gây nóng trong người.

Chia nhỏ bữa ăn: Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn để tránh cảm giác đầy bụng và khó chịu.

Bổ sung thực phẩm giàu chất điện giải: Các loại thực phẩm như chuối, nước dừa, khoai tây có thể giúp bổ sung kali và các chất điện giải cần thiết khi cơ thể mất nước do đổ mồ hôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn