MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân để phòng chống bệnh hô hấp. Ảnh: Hà Quyên

Số ca mắc COVID-19 gia tăng ở nhiều nước, Việt Nam cần cẩn trọng thời điểm cuối năm

Thanh Hà LDO | 04/12/2023 15:43

Những ngày qua, một số nước ở Đông Nam Á có sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Diễn biến dịch bệnh trong khu vực khiến người dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh cuối năm và Tết đang đến gần.

Thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh

Trao đổi với Lao động, ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm vừa ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và cúm A(H5/N1), COVID-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Ngày 13.11, Trung Quốc thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc.

Ngày 26.11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi thất thường. Kết quả giám sát ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là vi rút cúm; ngoài ra còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, vi rút hợp bào hô hấp, adenovirus...

Tại Malaysia, Singapore số mắc COVID-19 gia tăng 50-100% so với tuần trước đó. Hầu hết có triệu chứng nhẹ và nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: NVCC

Trước lo ngại về diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhận định, nước ta đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân. Thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, bao gồm COVID-19.

“Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền” - ông Đức cho hay.

Chưa đáng lo ngại

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho hay, hiện số ca mắc COVID-19 đang được điều trị tại cơ sở này không nhiều. Với tình hình hiện tại, ông nhận định số ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhưng những ca bệnh nặng không tăng nhiều. Do đó, người dân không nên quá lo lắng.

Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cũng cho hay, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại nước ta vẫn được kiểm soát. Phần lớn ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Số bệnh nhân nặng và đặc biệt không nhiều nên không thể gây quá tải hệ thống y tế.

“Việc các quốc gia ghi nhận ca mắc tăng là bình thường vì COVID-19 vẫn chưa hết hẳn. Qua theo dõi thì dù các nước có ca mắc nhưng chủ yếu nhẹ và nhiễm chủng Omicron, chưa ghi nhận sự bất thường” - ông Phu thông tin.

Từ 20.10, tại nước ta, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Trước tình hình cuối năm người dân đi lại, giao lưu nhiều, ông Phu cho rằng Việt Nam vẫn cần theo dõi sát tình hình, giám sát nguy cơ vì COVID-19 vẫn có nguy cơ xuất hiện các biến chủng bất thường gây bệnh nặng hơn.

“Tôi cho rằng tình hình dịch bệnh không đáng ngại. Diễn biến dịch sắp tới thì chủng mắc vẫn có thể lây lan thành dịch lưu hành và như mầm bệnh nhóm B. Song khó ghi nhận những ca nặng. Ngành y tế cần tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch trên thế giới, thực hiện giám sát, đánh giá nguy cơ để không bị bất ngờ nếu có diễn biến phức tạp của dịch bệnh” - ông nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn