MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số ca mắc ung thư gan ở Việt Nam ở mức cao.

Số ca mắc ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới

LH LDO | 08/12/2018 21:04
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam có số ca mắc ung thư gan đứng thứ 5 trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong, sau ung thư phổi. Trung bình mỗi năm có 25.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. 

Tại Hội thảo chuyên đề gan mật Việt Nam- Nhật Bản diễn ra ngày 8.12, TS Vũ Trường Khanh - Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, tỉ lệ mắc bệnh lý về gan mật ở nước ta cao, từ 9-12%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do nhiễm virus viêm gan B, C, chiếm 91% số trường hợp mắc bệnh. Ngoài ra, lạm dụng rượu, bia cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

“Tiêu thụ rượu, bia nhiều đang là nguyên nhân gây ra tỉ lệ người bệnh bị xơ gan, ung thư gan ngày càng nhiều hơn. Những bệnh nhân phẫu thuật gan mật xu hướng bệnh lý sỏi mật giảm dần nhưng bệnh lý ung thư nhiều hơn. Điều khó khăn là bệnh lý ung thư thường được người bệnh phát hiện giai đoạn muộn trên nền bệnh lý xơ gan do nhiễm virus hoặc rượu bia, tỉ lệ phẫu thuật có chỉ định cắt gan có chứa khối u rất hạn chế”, TS Vũ Trường Khanh thông tin.

Nhật Bản vốn là nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới. Nhưng sau vài chục năm cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc thực hiện tầm soát ung thư sớm, Nhật Bản đã có nhiều thành tựu trong điều trị ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì thế, Việt Nam cũng còn cần phải vài chục năm nữa, mới thực hiện được việc tầm soát sớm ung thư, điều trị sớm để kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. 

Hiện nay có 2 phương pháp điều trị ung thư gan hiệu quả tại Nhật Bản là truyền hóa chất và đốt sóng cao tần, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi, hiệu quả tại Việt Nam. Thông qua Hội thảo chuyên đề gan mật Việt Nam- Nhật Bản lần này, các bác sĩ Việt Nam sẽ được tiếp nhận những kinh nghiệm của 2 phương pháp điều trị này.

“Trong đó, phương pháp đốt sóng cao tần đã được áp dụng tại Việt Nam từ lâu nhưng tại Nhật Bản có những kinh nghiệm hay trên từng ca bệnh. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao cho Việt Nam, đặc biệt là thực hiện trên những ca khó. Về phương pháp truyền hóa chất, chúng ta đã thực hiện nhưng là truyền hóa chất toàn thân (uống hoặc truyền tĩnh mạch), ít tác dụng.

Các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao phương pháp truyền hóa chất trực tiếp vào động mạch, với những cầu nối để hóa chất vào thẳng khối u, giảm được tác dụng phụ của hóa chất", TS Khanh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn