MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất tránh bệnh sởi

Sốt xuất huyết giảm, bệnh sởi "lên ngôi'

L.Hà LDO | 16/11/2017 13:10

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội giảm liên tục trong 7 tuần qua nhưng số ca mắc sởi có dấu hiệu nhích lên. Bệnh sởi cần được khống chế, tránh xảy ra dịch sởi như năm 2014.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng chống dịch, SXH tại Hà Nội đã giảm 80%, tức từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày. Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông cũng chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận).

Tuy nhiên, bệnh sởi tại Hà Nội đang có dấu hiệu gia tăng. Tại hội thảo về phòng, chống bệnh sởi chiều 15.11, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận 63 ca mắc dương tính với virus sởi, 1 ca tử vong. Nếu những tháng đầu năm 2017 chỉ ghi nhận 1- 2 ca/tháng thì từ tháng 9.2017 đến nay, trung bình mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc sởi. Năm nay, dịch sởi đang có diễn biến phức tạp, phân bố dịch sởi năm 2017 tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.

TS Cảm khuyến cáo, chu kỳ dịch sởi tại Việt Nam rút ngắn lại khoảng 4 – 5 năm, trước đây là 9 – 10 năm. Nhiều người đặt vấn đề, liệu virus sởi có bị biến chủng hay không. Từ 2013 - 2015, virus sởi chưa có sự đột biến. 

"Điều đáng lo ngại là dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, song trong vòng 5 năm gần đây, vẫn có tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1 – 2 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng sởi", TS Cảm cho hay.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi tăng nhiều so với cùng kỳ 2016.  

"Mặc dù dịch SXH giảm mạnh, nhưng không vì thế mà các cơ quan chức năng cũng như người dân chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch. Dù bệnh sởi chưa bùng phát mạnh nhưng nếu lơ là dịch có thể bùng phát. Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi, hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.

Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi dù ở mức cao nhưng không thể đạt 100%. Hàng năm, ngoài 97-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ", TS Cảm cảnh báo.

Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, Bộ Y tế đang triển khai các đợt tiêm vét vaccine sởi để bảo đảm các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn