MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều dưỡng Phạm Kim Bé – Trưởng khoa điều dưỡng SXH (BV Nhi đồng Cần Thơ) đang tư vấn người nhà bệnh nhân tại khoa điều trị

Sốt xuất huyết tại ĐBSCL: Coi chừng bùng phát dịch

Lý Kiều LDO | 28/08/2017 19:22
Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có 42.761 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, các  tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng cao đáng ngại.

Phát hiện chậm, nguy cơ sẽ lớn

Sáng 28.8, tại BV Nhi đồng Cần Thơ chật kín bệnh nhân và người nhà nuôi bệnh. Tình trạng nằm ghép đã diễn ra. 

Điều dưỡng Phạm Kim Bé –  Trưởng khoa điều dưỡng SXH (BV Nhi đồng Cần Thơ) - cho biết: Mỗi ngày, khoa tiếp nhận vài chục bệnh nhân SXH, có nhiều trẻ nhập việ  trong tình trạng nôn ói, sốt cao… Có ngày khoa tiếp nhận và điều trị nội trú cho 150 trẻ. Để giảm tải, các bác sĩ trong khoa phải tăng cường lọc bệnh. Đối với bệnh nhẹ, tỉnh táo, ăn uống được, bác sĩ sẽ tư vấn với gia đình rồi cho điều trị ngoại trú và hẹn tái khám.

“SXH năm nay diễn biến phức tạp bởi lượng bệnh quá đông, không chỉ ở Cần Thơ mà các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… cũng được đưa về điều trị tại bệnh viện. Phần lớn bệnh nhân đều rơi vào trường hợp đã sốt 3-5 ngày, chẩn đoán muộn nên đưa đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng”, điều dưỡng Bé cho hay.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Y Tế Cần Thơ - cho biết, năm nay, bệnh SXH đến sớm hơn tại Cần Thơ. Thông thường, đỉnh của dịch rơi vào tháng 9, 10, nhưng năm nay tháng 2 đã có người mắc bệnh, số bệnh nhân cũng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. 

Hiện còn 260 ca đang điều trị tại BV Nhi Đồng Cần Thơ. Năm nay, SXH không chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng không tránh khỏi, từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi tuần có khoảng 50 ca nhập viện, có cả bệnh nhân nặng ở độ  tuổi người lớn, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), có bệnh nhân 25 tuổi ghi nhận tử vong do SXH. 

Phối hợp phòng chống sẽ hiệu quả hơn

ĐBSCL trong xu thế đô thị hóa, mật độ dân cư cao, điều kiện vệ sinh môi trường nhiều bất cập nhất là ở những bãi đất trống, ngõ hẻm, khu nhà chưa có người ở, công trình xây dựng chứa nước,…. đã tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản và phát triển.

Ths.Bs Huỳnh Thanh Tân – Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long - cho biết, thời điểm này, Vĩnh Long có 124 ổ dịch, nơi được xác định là ổ dịch được triển khai xử lý ngay trong vòng 48 giờ, để khống chế ổ dịch không lây lan trên diện rộng.

Sau khi xử lý ổ dịch, chính quyền địa phương, nơi xảy ra ổ dịch thông báo cho người dân địa phương biết tình hình bệnh SXH tại địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tiến hành vậng động bà con diệt lăng quăng trong bán kính 200m, tính từ ca bệnh. Người dân được ngành y tế hướng dẫn diệt lăng quăng ở những nơi chứa nước, sau đó tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, để cắt đứt đường lây truyền của bệnh SXH. 

Trước tình hình bệnh SXH đang lan nhanh, ngành y tế các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông trên địa bàn để thông tin thường xuyên các biện pháp phòng tránh đến từng hộ dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn