MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Thành Dương

Sốt xuất huyết trở thành mối đe doạ lớn, vào đỉnh dịch, nhiều ca nặng

Lệ Hà LDO | 09/11/2023 18:09

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo sốt xuất huyết trở thành mối đe dọa lớn. Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 70.000 ca sốt xuất huyết, gần 20 bệnh nhân tử vong.

Sir Jeremy Farrar, nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo sốt xuất huyết có thể lây lan ở miền Nam nước Mỹ và miền Nam châu Âu trước năm 2030. Ông cho biết nhiệt độ ấm lên khiến muỗi mang mầm bệnh xâm nhập sâu hơn vào nhiều nước, làm gia tăng số ca mắc.

Số liệu cho thấy thế giới có khoảng 20.000 người chết vì sốt xuất huyết mỗi năm, chủ yếu là ở châu Á và châu Mỹ.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết năm nay đến khá sớm và đang vào đỉnh dịch. Dự kiến tháng 11 lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết còn tăng lên nhiều hơn nữa.

Đã hai năm liên tiếp chúng ta xảy ra một mùa dịch lớn ở phía Bắc cũng như Hà Nội. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều phương án điều trị, dự phòng để ứng phó trong trường hợp dịch lan rộng.

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400-2.700 trường hợp.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - nhận định: Hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang nằm điểu trị tại Trung tâm chiếm 1/3 tổng số lượng bệnh nhân.

Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận 30-50 ca sốt xuất huyết đến khám, trong đó có 15-20 ca sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện. Đa số là do đến muộn với bệnh cảnh sốc giảm thể tích, rối loạn đông máu và suy đa phủ tạng. Ngoài ra có một số bệnh nhân phải nhập viện do có cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, đang mắc các bệnh nền như bệnh tim, phổi, ung thư, chạy thận nhân tạo... Đây là những đối tượng bệnh nhân cần phải đặc biệt theo dõi. Tháng 11 là thời điểm đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết.

Như bệnh nhân Đ.T.V, 83 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng sốt cao kèm đau đầu nhiều, mệt mỏi. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và K vú đã phẫu thuật 3 năm. Bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết Dengue, kèm theo các biểu hiện như tràn dịch màng phổi/tràn dịch màng bụng. Bệnh nhân là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nên đã được nhập viện theo dõi, điều trị kịp thời nay đã qua cơn nguy kịch.

"Về điều trị, các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày. Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.

Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo: Đau bụng vùng gan, tiểu ít, chảy máu cam, máu lợi, nôn hoặc đi ngoài ra máu, rong kinh, rong huyết ở nữ giới, xét nghiệm công thức máu tiểu cầu giảm nhanh hoặc hematocrit tăng nhanh" - PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay.

PGS Cường khuyến cáo với người dân: Nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong. Khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn