MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội)

Sự cố 7 người chết khi chạy thận phải coi là “thảm khốc”

LÊ PHƯƠNG LDO | 31/05/2017 14:42
Đây là chia sẻ của ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) bên hành lang Quốc hội sáng 31.5 về sự cố mà ông cho là “thảm khốc” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, khiến 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bị sốc, trong đó có 7 người tử vong.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, đã đến lúc chúng ta cần kiểm định lại các quy trình kĩ thuật, nâng cao chất lượng chuyên môn trong điều trị vì khi người bệnh đến với bác sỹ, với ngành y tế là họ muốn giải toả nỗi đau, muốn được chóng khỏi bệnh để trở về với gia đình, với cuộc sống. “Vì thế, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là chất lượng chuyên môn, quy trình kĩ thuật”, ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Về câu hỏi sau sự việc đau lòng này, trách nhiệm của các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình nên bị xử lí như thế nào, ông Tuấn cho biết, trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ phụ thuộc rất nhiều vào quá trình khởi tố tìm ra nguyên nhân, nếu trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu. Tuy nhiên, ông Tuấn bày tỏ hy vọng các quy trình kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình vẫn đúng và nguyên nhân gây ra sự việc thảm khốc này là yếu tố khác.

Nói về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ông Tuấn cho hay:“Chúng tôi là bác sỹ, hàng ngày phải đối đầu với các ca bệnh và rủi ro trong nghề nghiệp, tai biến y khoa hầu như không tránh được. Như vậy, phải chăng chúng ta sợ trách nhiệm, sợ bồi thường mà lùi lại để bệnh nhân phải chấp nhận rủi ro, như các nhà tư pháp sợ bồi thường, sợ trách nhiệm mà lùi lại để các vụ án không được xử lí một cách thấu đáo, thấu tình đạt lí, để những người vi phạm pháp luật nhởn nhơ ở ngoài là không đúng”.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, với những hành vi thiếu trách nhiệm vì lợi ích nhóm hoặc quyền lợi cá nhân cố tình vi phạm pháp luật thì sẽ xử lí theo luật và phải có bồi thường thích đáng. “Tuy nhiên, để giảm áp lực cho các nhà tư pháp, nên có bảo hiểm nghề nghiệp, như bảo hiểm nghề nghiệp của ngành y tế, để các y bác sỹ sẵn sàng lao vào chiến đấu với tử thần, giành giật cơ hội sống cho người bệnh và chấp nhận rủi ro. Rủi ro đó nếu chẳng may xảy ra do ngoài mong đợi của thầy thuốc thì được quỹ bảo hiểm nghề nghiệp chi trả”, ông Tuấn nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn