MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh nhân gặp sự cố chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ảnh: PV

Sự cố chạy thận 7 người chết: “Cơn ác mộng” của bác sĩ

Thùy Linh LDO | 30/05/2017 16:17
Trưa 30.5, giữa “tâm bão” ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, chúng tôi đã tranh thủ những giờ phút hiếm hoi để lắng nghe nỗi bàng hoàng và tâm sự trĩu nặng của Ths.BS Hoàng Công Tình - Phó Trưởng khoa Hồi sức Tích cực -BVĐK Hòa Bình, một bác sĩ đã tham gia cấp cứu các nạn nhân, theo dõi sự việc từ đầu chí cuối. Từ trưa hôm qua tới giờ, anh vẫn chưa được nghỉ ngơi, chưa ăn cơm mà chỉ kịp ăn vài miếng bánh mì.

“Chúng tôi đau đớn, cảm giác mất đi những người thân”

 BS Tình cho biết, khi xảy ra sự cố, tất cả bác y bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện chúng tôi đều bàng hoàng, đau xót không kém người nhà bệnh nhân. Cảm giác đó như khi mất đi người thân, những người mà mình thường suy nghĩ về họ. Tôi được cấp cứu bệnh nhân từ đầu và theo bệnh nhân tới giờ phút này, cảm giác hụt hẫng, mất đi những gì đó lớn lao mà không thể mô tả được. 

Có những bệnh nhân đã chạy thận gần 10 năm nay, người nào mới cũng đã chữa trị ở bệnh viện 1-2 năm nên chúng tôi và các bệnh nhân đều biết nhau, từ hoàn cảnh gia đình, thậm chí là tính cách mỗi người… Có thời điểm, bệnh nhân không muốn lọc, họ bi quan, đặc biệt những hôm mưa gió, vì họ ở xa… Có những ca lọc phải chờ đợi, có người rơi vào trạng thái như trầm cảm, chán nản khi suốt thời gian dài gắn bó với việc chạy thận, nhưng chúng tôi luôn phải động viên họ.

Cũng có khi, bệnh nhân tới chạy thận ở bệnh viện, nhìn thấy những người cùng cảnh bi đát, có bệnh như mình, họ lại có thêm nghị lực cùng thầy thuốc chống chọi bệnh tật đến cùng. Những người chạy thận nhân tạo đã lâu, nhìn là có thể nhận ra ngay vì họ không có sức khỏe, vàng vọt, hơn lúc nào hết họ rất cần sự động viên của y bác sĩ.

Riêng bản thân tôi, sự cố này là mất mát rất lớn. Lúc như thế này, tôi chỉ muốn khóc, muốn giải tỏa chia sẻ với bệnh nhân để họ có thể cảm nhận được cảm giác của tôi lúc này. Nhưng điều đó là không thể vì dưới mình còn hơn 40 nhân viên khác, họ cần một người chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt.

BS Tình chia sẻ tâm trạng và sự bàng hoàng trước sự cố chạy thận. Ảnh: PV.

Y, bác sĩ vẫn nhận được sự tin tưởng của gia đình người bệnh

7 ca tai biến khi chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình không ra đi cùng lúc. Tất cả những người bệnh này đều được cấp cứu tới cùng. Khi mất bệnh nhân, nhiều điều dưỡng nữ đã bật khóc và tôi cũng trấn an họ rằng, sự quyết tâm các bạn sẽ tốt hơn là các bạn thể hiện bi quan. Chúng tôi vừa nói chuyện với nhau trong chốc lát, bệnh nhân cần cấp cứu lại xuất hiện đột ngột. Ngay bản thân tôi cũng nghĩ đó là “cơn ác mộng” nhưng đó là sự thật mà mình phải chấp nhận nó.

Cho tới lúc này, người nhà những bệnh nhân không có hành động nào thái quá, tiêu cực đối với những y, bác sĩ trong viện. Đa số các bệnh nhân, người nhà đều tin tưởng vào chuyên môn và tinh thần phục vụ của chúng tôi. Sự cố không may xảy ra, tôi cũng nhận thấy sự đau buồn, mất mát trên gương mặt họ. Người nhà có thể trách móc, có thể hỏi, có thể phản ứng mạnh, nhưng họ chưa nói nặng lời với anh em y, bác sĩ, nhân viên y tế câu nào. 

Sự việc hôm qua thật hụt hẫng và mất mát lớn, thế nhưng, chúng tôi - những người làm hồi sức cấp cứu -không được để những hình ảnh ám ảnh mình. Các thầy thuốc được học phải giữ được sự bình tĩnh để đối diện những ca bệnh nguy cấp, nặng.

Chúng tôi cũng đã xuống làm tư tưởng cho bệnh nhân phải chuyển về Bạch Mai chạy thận. Số ít muốn đi, còn 2 bệnh nhân nhất quyết không chịu đi và phải liên hệ BV thành phố để lọc.

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn