MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dùng nhân sâm không đúng cách có thể nguy hại đến tính mạng. Ảnh: Từ Ân

Sử dụng nhân sâm đúng cách để không nguy hại đến tính mạng

Tường Minh LDO | 11/09/2021 18:00

Việc sử dụng nhân sâm không đúng cách, không những không phát huy tác dụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí đe doạ tính mạng.

Nhân sâm là vị thuốc Đông y được nhiều người nghe, biết và tự dùng nhiều nhất. Nhân sâm còn được dùng làm quà biếu với mục đích bồi bổ sức khoẻ cho người già, người ốm...

Theo bác sĩ Lê Thân, tác giả của sách "Chữa bệnh cho mẹ" và "Thuốc ở quanh ta", trong Đông y, thuốc bổ thường được chia làm 4 loại lớn bổ khí, bổ dương, bổ huyết, bổ âm. Nhân sâm được xếp vào loại bổ khí.

Nguyên tắc đơn giản và thường dùng nhất là phần nào trong cơ thể hư suy (khí, huyết, âm, dương) thì dùng loại/ bài thuốc bổ cho phần đó. Cho nên việc sử dụng nhân sâm nói riêng và các thuốc bổ khác của Đông y cũng phải tuân thủ đúng chỉ định, không được dùng bừa bãi với suy nghĩ: không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc!

Việc sử dụng thuốc bổ không đúng cách, không những không phát huy tác dụng của thuốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí đe doạ tính mạng!

Theo bác sĩ Lê Thân, khi dùng nhân sâm cần lưu ý mấy điểm sau:

Liều thường dùng 3 - 15g/ngày; trường hợp dùng để tăng sức thì 5 - 7 ngày uống 1 lần 6 - 8g là được.

Không được dùng chung với lê lô, bồ kết. Khi dùng nhân sâm không nên ăn cải củ và không nên uống trà để tránh giảm hiệu lực của thuốc.

Nhân sâm rất ít độc. Khi bị trúng độc sẽ nổi ban đỏ, ngứa, đau đầu, chóng mặt, sốt và xuất huyết; xuất huyết là nhiễm độc cấp của nhân sâm. Mặc dù độc tính của nhân sâm tương đối thấp nhưng nếu không có bệnh mà vẫn lạm dụng hoặc dùng liều quá cao, thời gian sử dụng quá dài thì vẫn có thể xuất hiện những phản ứng trúng độc.

Các trường hợp sau đây không được dùng nhân sâm:

Các trường hợp mà Đông y cho là thực nhiệt (ví như: sốt xuất huyết giai đoạn có sốt; viêm ruột thừa cấp; người bị thương phong cảm mạo, phát sốt…); người bị bệnh gan mật cấp tính; những người bị viêm dạ dày và ruột cấp tính: bị nôn mữa, đau bụng, đi ngoài; người bị viêm loét hốc dạ dày cấp tính và xuất huyết; người bị giãn phế quản, bị lao ho ra máu…..

Tốt nhất cần tham khảo ý kiến các thầy thuốc Đông y trước khi sử dụng nhân sâm. Đặc biệt các trường hợp: tăng huyết áp; thanh niên hay bị di mộng tinh, xuất tinh sớm; phụ nữ có thai (nhất là 3 tháng đầu); trẻ dưới 14 tuổi (nhất là trẻ dưới 1 tuổi).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn