MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đối với làn da. Ảnh: Hạ Mây

Tác động của biến đổi khí hậu đối với làn da

Hạ Mây LDO | 11/04/2023 17:22
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi lâu dài trong các kiểu thời tiết do các yếu tố như hoàn lưu đại dương, sự thay đổi bức xạ mặt trời, mảng kiến ​​tạo, các yếu tố con người... Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu hoặc địa phương, độ ẩm, lượng mưa và các nhiễu động thời tiết. Khi da tiếp xúc với môi trường sẽ bị tổn thương do nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. BS. CKI Trương Thị Ngọc Bửu - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Quận 10) đã chỉ ra tác động của môi trường ấm hơn đối với nhiễm trùng da và các bệnh viêm da.

Bệnh do vectơ truyền

Muỗi, ve và bọ chét là trung gian mang virus, vi khuẩn. Động vật nguyên sinh gây bệnh, có thể truyền từ vật chủ này (ví dụ: muỗi) sang vật chủ khác (ví dụ: người hoặc động vật). Nhiệt độ đóng một vai trò quan trọng trong sự lây lan của vectơ và bệnh do vectơ truyền. Điều kiện ấm hơn dẫn đến sự sao chép nhanh hơn của một số loại virus và vectơ,  tăng tốc độ lây truyền.

Nhiễm trùng do ve sẽ gây ra bệnh Lyme, sốt phát ban rickettsia, bệnh sốt thỏ. Nhiễm trùng do muỗi truyền gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, virus Zika. Nhiễm trùng do bọ chét, tỉ lệ mắc bệnh dịch hạch có khả năng tăng lên khi khí hậu ấm hơn.

Bệnh lây qua đường nước

Mưa lớn và lũ lụt được dự đoán sẽ tăng lên cùng với biến đổi khí hậu, những điều này thường dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh. Nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm hơn do lũ lụt hoặc bị tù đọng trong hạn hán. Lũ lụt cũng khiến dịch bệnh lây lan khi mọi người di chuyển hàng loạt để đến vùng đất khô ráo.

Các yếu tố khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc bùng phát các bệnh truyền qua nước. Nhiễm trùng do vi khuẩn gây nhiễm Escherichia coli, Campylobacter, Leptospira, sốt thương hàn và tả. Nhiễm trùng do ký sinh trùng như Toxoplasma, Cyptosporidium. Các loại virus như viêm gan A, E, norovirus, bại liệt. Nhiễm trùng do nhiễm giun sán như sán máng.

Bệnh lây qua thực phẩm

Lũ lụt và hạn hán có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch đặc biệt là ở các quốc gia nghèo tài nguyên. Nước ấm hơn do nhiệt độ tăng có thể gây bùng phát dịch bệnh do động vật có vỏ gây ra, chẳng hạn như tả biển.

Sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm làm cho thực phẩm bị thối rữa, do đó làm tăng độc tố nấm mốc. Chất độc này cũng có thể gây bệnh bằng cách thâm nhập vào da. Các độc tố nấm mốc khác có liên quan đến kích ứng da và phát ban.

Phycotoxin là độc tố tự nhiên mạnh được sản xuất bởi một số loài tảo biển và vi khuẩn lam. Hải sản có thể bị nhiễm độc tố phycotoxin với số lượng lớn.

Tiếp xúc với tia cực tím

Mức bức xạ tia cực tím đo được phần lớn không phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm. Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài trời cao hơn có thể dẫn đến việc mọi người mặc ít quần áo hơn và dành thời gian ở ngoài trời lâu hơn, làm tăng khả năng tiếp xúc của da với bức xạ UV.

Những tác động có hại khi tiếp xúc tia cực tím bao gồm: cháy nắng, lão hóa da, ung thư da, viêm da. Viêm da tiếp xúc trở nên phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ môi trường cao hơn. Tỉ lệ viêm da cơ địa có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các chất gây dị ứng trong không khí như mạt bụi, mạt nhà.

Nhiệt độ cao hơn gây ra nhiều chứng hăm kẽ hơn, đặc biệt ở người béo phì và tiểu đường. Tăng tiết mồ hôi gây rôm sảy và bệnh da liễu dạng gai. Môi trường nóng cũng có thể gây bùng phát bệnh trứng cá đỏ, nổi mề đay cholinergic và nổi mề đay do nhiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn