MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Đức Trọng

Tác dụng và tác hại không ngờ khi ăn mận

Hương Lê (Theo Pharmeasy) LDO | 21/06/2023 07:45

Mận là loại trái cây ngon theo mùa, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên mận cũng có thể đem lại một số tác dụng phụ có thể bạn chưa biết.

Theo trang Pharmeasy, mận không chỉ là loại trái cây ngon theo mùa mà còn có nhiều đặc tính hữu ích, có thể hỗ trợ kiểm soát một số bệnh khác nhau.

Mận có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu: Bệnh tiểu đường là một rối loạn chuyển hóa xảy ra do sản xuất insulin không đủ hoặc thiếu hoàn toàn. Nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ mận làm giảm đáng kể lượng đường trong máu trong quá trình thử nghiệm trên động vật.

Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp như mận giúp kiểm soát sự tăng giảm insulin trong máu sau bữa ăn. Do đó, thực phẩm có GI thấp được khuyên dùng cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Ăn mận có thể giúp ích cho những người mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên, bạn vẫn cần liên hệ với bác sĩ của mình trước khi tiêu thụ bất kì loại trái cây hoặc rau quả nào.

Mận hỗ trợ trị táo bón: Mận có thể giúp giảm táo bón và các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng và ợ nóng.

Mứt làm từ mận khô đã được chứng minh là làm tăng nhu động ruột, cũng có thể giúp làm mềm phân, giúp ích cho những người bị táo bón và hội chứng ruột kích thích.

Mận khô chứa một số hợp chất phenolic có thể giúp tăng chuyển động trong đường tiêu hóa, do đó giúp làm rỗng dạ dày. Mận chứa serotonin, làm tăng sản xuất dịch ruột và nhu động ruột, có prebiotic và hàm lượng chất xơ cao giúp duy trì vi khuẩn hữu ích trong ruột kết.

Mận có khả năng chống viêm: Thịt, hạt và vỏ mận chứa lượng lớn chất chống oxy hóa. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food & Function cho thấy các polyphenol trong mận là chất chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Polyphenol có thể giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể bạn, giảm stress oxy hóa và nguy cơ phát triển bệnh mãn tính.

Mận là loại quả ngon có nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Ảnh: Mai Thảo

Mận hỗ trợ duy trì sức khỏe xương: Ngoài vị ngon và bổ dưỡng, mận còn được biết đến với tác dụng hỗ trợ cải thiện chất lượng xương. Chúng là nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời, rất cần thiết cho sức khỏe của xương, vì vitamin K giúp hấp thu canxi.

Trong các nghiên cứu trên động vật, người ta đã chứng minh rằng mận rất hiệu quả đối với tình trạng loãng xương từ trước. Bột mận giúp tăng mật độ khoáng xương và phục hồi đốt sống (cột sống) của chuột. Tuy nhiên bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ khi thêm mận vào danh sách thực phẩm bổ sung.

Mận hỗ trợ giảm cân: Mận chứa polyphenol và các hợp chất có hoạt tính sinh học, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa năng lượng ở người béo phì. Nước mận chứa ít calo nên có thể góp phần làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể.

Trong một nghiên cứu tiền lâm sàng, việc tiêu thụ nước ép mận được phát hiện là có hữu ích cho việc giảm trọng lượng cơ thể. Lượng calo thấp trong nước ép mận và hàm lượng polyphenol cao hơn cũng giúp giảm trọng lượng cơ thể.

Tuy nhiên theo Pharmeasy, việc tiêu thụ nhiều mận cũng có thể đem lại những tác hại.

Mọi người cũng có thể gặp phản ứng dị ứng khi ăn mận. Mận chứa một thành phần được coi là chất gây dị ứng tiềm ẩn cho thấy phản ứng dị ứng đặc hiệu với globulin miễn dịch E (IgE).

Mận có chứa nhiều chất oxalate, có thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận, nguyên nhân chính gây sỏi thận và sỏi bàng quang. Đặc biệt, những người bị bệnh thận hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh này nên hạn chế hoặc không ăn mận.

Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt,... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn