MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đàn chó của một gia đình tại TP.Hạ Long. Chủ nhân cho biết, không thấy phường thông báo lịch tiêm phòng và cũng không biết cho chó đi tiềm phòng ở đâu. Ảnh: PV

Tại sao một con chó cắn vài ba người, nhưng chỉ một người chết?

Nguyễn Hùng LDO | 02/07/2017 11:18
Ngày 29.6 vừa qua, thêm một người nữa tử vong vì bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm phòng, nâng tổng số người chết vì chó cắn tại Quảng Ninh từ đầu năm tới nay lên con số 2. Theo ông Đoàn Duy Ái - Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Quảng Ninh - điểm nghi là có dịch thuộc xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, mọi việc đã trở lại bình thường, nhưng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trên toàn tỉnh bởi tình trạng không kiểm soát được nuôi chó, mèo cũng như tiềm phòng dịch bệnh cho các loại vật nuôi này.

Trao đổi với Lao Động sáng nay (2.7), ông Ái cho biết, hai người bị tử vong do chó dại cắn ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên và xã đảo Vĩnh Thực, TP.Móng Cái đều do không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.

Nạn nhân ở xã Đông Ngũ bị chó của gia đình cắn cách đây 3 tháng. Một tuần sau, con chó này ốm và gia đình đã thịt ăn. Theo ông Ái, việc thịt chó dại cũng rất nguy hiểm, chỉ cần xây xước trong quá trình làm thịt cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng và từng có người lên cơn dại vì sơ suất này.

Trong khi đó, tại xã đảo Vĩnh Thực, một con chó cắn vài ba người, nhưng chỉ một người chết do không đi tiêm phòng, còn những người khác bình yên do đến trạm xá tiêm phòng ngay.

Điều mà ông Ái lo lắng là tình trạng chó, mèo không được tiêm phòng đang ở bức báo động. “Tỉnh, các sở, ngành liên quan có đầy đủ các văn bản chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn về vấn đề này, nhưng sự vào cuộc của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở rất kém. Việc thống kê đàn cho hiện nay cũng không được làm chu đáo, bỏ sót rất nhiều và không biết dân nuôi bao nhiêu con thì tiêm phòng ra sao. Nếu không tiêm phòng đầy đủ thì cũng không có giải pháp phòng, chống dịch dại tốt hơn” – ông Ái cho biết.

Cũng theo ông Ái, ở xã, phường nào cũng có ban chăn nuôi - thú y và hàng năm, tổ dân, khu phố phải đi thống kê, xây dựng lịch tiêm phòng và thông báo đến nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều xã, phường, tổ dân khu phố làm công tác này và người dân cũng không biết đem chó, mèo đi tiêm phòng ở đâu.

Chia sẻ với Lao Động, nhiều người dân ở Hạ Long xác nhận thực tế này. “Chúng tôi không biết đem chó đi tiêm phòng ở đâu, nên đành đem ra các cửa hàng chuyên bán, chăm sóc thú cưng” - anh Nguyễn Văn Lợi, phường Cao Thắng, TP.Hạ Long cho biết.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tại Quảng Ninh có hơn 300 trường hợp bị cho cắn và phải đi điều trị, tập trung chủ yếu ở Hạ Long, Hoành Bồ, Tiên Yên, Móng Cái...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn